Ngày mới ở Cao Bằng

- Thứ Bảy, 01/01/2022, 06:33 - Chia sẻ
"Cao Bằng quê em mộc mạc chân thành/ Giữa mùa đông mà nghĩa tình ấm áp…/ Thăm suối Lê Nin núi cao Các Mác/ Nơi khởi nguồn cách mạng sáng niềm tin..." Những vần thơ sâu lắng của nhà thơ Vũ Khánh Đông một lần nữa thôi thúc chúng tôi trở lại với Cao Bằng - vùng quê cách mạng vào một ngày cuối năm, để thấy và cảm nhận được rõ hơn miền biên cương phía Bắc của Tổ quốc đang ngày một đổi mới, để thêm một lần “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.

Đổi thay nếp nghĩ, cách làm

Ngược cung đường từ Hà Nội, sau hơn nửa ngày chênh vênh vượt qua những “bước đá, bước mây” chúng tôi cũng đã đến được vùng đất phên dậu của Tổ quốc, bắt gặp hình ảnh những bản làng ẩn hiện dưới thung sâu nơi chân núi, ngôi nhà của đồng bào dân tộc cheo leo nơi non cao hòa vào màu xanh ngút ngàn… Từ trung tâm huyện Bảo Lâm, theo con đường ngoằn ngoèo, mong manh, vắt ngang lưng chừng núi đã được bê tông phẳng phiu đến xóm Phiêng Pẻn (xã Lý Bôn), đâu đâu chúng tôi cũng thấy nụ cười rạng rỡ. Ông Tẩn Dấu Quẩy (xóm Phiêng Pẻn) chia sẻ: Các hộ dân thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình trồng hồi và chưng cất tinh dầu, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống bà con không còn lo thiếu đói. “Phiêng Pẻn giờ đã đổi thay nhiều lắm. Được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông, xóm không còn cách trở, người dân đi lại được thuận tiện, kinh tế vì thế cũng phát triển”, ông Quẩy hồ hởi chia sẻ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nói chuyện với Nhân dân huyện Trùng Khánh

Mặt trời vén những dải mây mỏng mềm mại như dải lụa trắng dài vô tận ôm ấp các ngọn núi chiếu những tia nắng đầu tiên của ngày mới xuống dòng sông Gâm, làm mặt nước lấp lánh ánh bạc. Rời Bảo Lâm, thẳng quốc lộ 34 chúng tôi tiếp tục đến với xóm vùng cao Tả Xáy (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc). Như nhiều địa phương khác của Cao Bằng, trước đây nhắc đến Tả Xáy nhiều người sẽ nghĩ và liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở. Đặc biệt, vào mùa mưa con đường đất lầy lội, lẫn trong sương mù chẳng có xe cộ nào đi nổi. Giờ đây, cuộc sống của bà con đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm… Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lợi cho biết: Với 100% dân số là dân tộc Mông, bà con Tả Xáy từ bao đời nay một lòng theo Đảng, theo Bác, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, tích cực lao động sản xuất.

“Thành Công đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó chắc chưa biết gì?” Chia tay Tả Xáy, về với xã Thành Công (huyện Nguyên Bình) lúc trời đã xế chiều. Lâu lâu lại bắt gặp những thiếu nữ dân tộc ôm những bó rau rừng, sau lưng gùi ngô đầy ắp vàng óng, gương mặt ửng hồng từ những nương ngô... Chỉ tay về con đường bê tông, ông Bàn Văn Tịnh (xóm Bản Chang) nhớ lại: Cách đây khoảng 7 - 8 năm, đường đi lại khó khăn, dân không có điện thắp sáng, song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cuộc sống bà con đổi thay từng ngày. Điện, đường, trường... được đầu tư xây dựng; kinh tế từng bước ổn định, người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa.

Những ngày ở Cao Bằng, chúng tôi cũng đã kịp ghé xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), được chạm tay vào Cột mốc 108 - nơi chứng kiến thời khắc quan trọng vào mùa xuân năm 1941, khi cả đất trời Cao Bằng “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” đã đón người lãnh tụ của dân tộc trở về sau “Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi!”. Từ đây, dưới chân cột mốc linh thiêng, Bác Hồ đã lựa chọn Pác Bó nói riêng và Cao Bằng nói chung trở thành đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc, góp phần viết nên trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Tự hào với truyền thống của quê hương cách mạng, Trường Hà từ một xã thuần nông đã có những bước khởi sắc. Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Duy cho biết: Đến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; không còn hộ thiếu ăn, thiếu mặc… Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, đó là kết quả sức lan tỏa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Không chỉ Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, hay Hà Quảng… trở lại thành phố trẻ Cao Bằng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn đổi thay của mảnh đất mà người dân vẫn thường gọi là thành phố ba mặt tam giang này. Anh Triệu Tạ Phâu (phường Hợp Giang) chia sẻ: Với những nỗ lực của chính quyền, sự đồng lòng và chung sức của người dân, nay trên địa bàn đã có nhiều công trình được xây mới, nâng cấp và mở rộng quy mô; cảnh quan sạch đẹp, không gian trải dài hơn với những khu đô thị mới như: Gia Cung - Nà Cáp, Đề Thám, Sông Bằng… Bà con rất phấn khởi!

Tạo động lực mới cho phát triển

Khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ khi Bác trở lại thăm Cao Bằng năm 1961: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trước đây Cao Bằng là tỉnh gương mẫu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”, “Ít nhất Cao Bằng phải cao bằng nơi cao nhất, Cao Bằng cao không nơi nào bằng”… Trong suốt chặng đường dài phát triển, trên bước đường khẳng định mình, Cao Bằng đã tự đúc rút công thức để tạo nên đột phá đó chính là: “8 lợi thế, 3 điểm nghẽn và 3 đột phá chiến lược”. Trong đó, lợi thế được tỉnh chú trọng có thể kể đến là: Truyền thống cách mạng; những danh lam thắng cảnh nổi tiếng…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá: Từ việc xác định rõ kịch bản phát triển, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có nhiều gam màu sáng, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Chỉ tính trong năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 4,1%, cao hơn so với dự kiến mức tăng chung của cả nước. Các trụ cột của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng, an ninh lương thực được bảo đảm; chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời;… Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện với tinh thần chủ động, linh hoạt. Tính đến tháng 10.2021, Cao Bằng là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có trường hợp nào mắc Covid-19, mặc dù là tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc có số người nhập cảnh và thực hiện cách ly lớn. 

Với một tỉnh miền núi biên giới, điều kiện còn hết sức khó khăn như Cao Bằng thì đây là kết quả nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, địa phương còn gặp nhiều khó khăn; kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển; các "điểm nghẽn", "nút thắt" lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông chưa được tháo gỡ; chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực còn hạn chế; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…

Chia sẻ về những giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Cùng với tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tỉnh sẽ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ưu tiên phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân… Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển.

Năm 2021 khép lại, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tin rằng Cao Bằng sẽ đạt được những bước tiến mới mạnh mẽ, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững; giữ vững vị trí chiến lược trọng yếu nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc… Để hào khí “nơi khơi nguồn cách mạng” vang đọng mãi ngày xuân, cùng dân tộc bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển.

Ghi chép của DIỆP ANH