Ngày mới nơi miền Tây xứ Nghệ

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:39 - Chia sẻ
Giữa miền biên giới với trập trùng mây, núi cao, đèo cao - nơi cổng trời Mường Lống mờ ảo trong sương, đầu nguồn của dòng Lam Giang với hai nhánh Nậm Mộ, Nậm Nơn… có một Kỳ Sơn từ đói nghèo đang từng ngày thay da đổi thịt. Cùng với các chính sách đúng đắn được Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An quan tâm, bà con nơi đây đã chủ động phát triển sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nơi “phiên dậu” miền Tây xứ Nghệ.
	Một góc Kỳ Sơn hôm nay
Một góc Kỳ Sơn hôm nay

Về Kỳ Sơn cùng em mùa này, hoa bản làng nở trắng rừng

Ngược Nậm Mộ, xuôi Nậm Nơn vui trong hội đua thuyền đầu xuân

Về Kỳ Sơn cùng anh mùa này, đường về bản sao thênh thang thế

Đường nối bản, những em thơ hân hoan đến trường…

Ai đã đến, ai từng đi, khi xa rồi, xa rồi thầm nhớ…

Mảnh đất hùng vĩ và nên thơ, mộng mơ và huyền bí. Nếu ai đã từng một lần ghé qua chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được những mái nhà ẩn hiện trong mây, những dãy núi điệp trùng trải dài xanh thẳm. Nhưng có lẽ ở Kỳ Sơn - miền biên giới của xứ Nghệ luôn ấn tượng trong lòng mỗi người với nét văn hóa đặc trưng mà đa dạng của 5 hệ đồng bào dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú và Hoa cùng chung sống, từ họa tiết văn hóa trên phiên áo của người con gái Mông, đến điệu suối, khúc lâm của chàng trai Thái. Tất cả hòa quyện vào nhau thấm đẫm tình người của một vùng quê vừa có sự khoáng đạt của gió ngàn thênh thang, vừa có dáng mặc trầm của núi non kỳ vĩ… để lòng ai đã đến, đã đi thì không thể nguôi quên!

Màu vàng no ấm

Vượt qua quãng đường hơn 700km trên chiếc xe khách độc nhất, chúng tôi trở lại với Kỳ Sơn - huyện cao nhất, xa nhất, nghèo nhất không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả nước. Có lẽ xưa nay nhiều người cứ nghĩ chỉ có những cung đường Tây Bắc mới hiểm trở gian nan, nhưng quả thực một dải biên cương trùng điệp ở miền Tây xứ Nghệ điều kiện đi lại cũng vô cùng khắc nghiệt. Sau một ngày nghỉ ngơi, trên chiếc xe bán tải từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi về Mường Lống. Với địa hình tựa như lòng chảo cao nguyên của miền sơn cước, nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự kiên trì, bền bỉ của con người đã tạo nên vùng đất trù phú, thanh bình.

Đây cũng chính là một trong những lí do để chúng tôi chọn Mường Lống - điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình, để thấy và được cảm nhận rõ nét hơn cuộc sống đầy màu sắc của con người và thiên nhiên nơi đây. Nụ cười chất phác, ông Và Xái Cổ chia sẻ, trước đây muốn vào Mường Lống phải vượt qua nhiều dãy đá cheo leo, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng nay được Đảng, Nhà nước quan tâm nên điều kiện đi lại thuận lợi hơn nhiều. Tiếp lời ông Cổ, đại diện lãnh đạo xã cho biết: Từ chỗ còn thiếu thốn với nhiều hủ tục đeo bám, đến nay, số hộ đói, nghèo của xã đã giảm mạnh, là điểm sáng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện.

Rời Mường Lống, chúng tôi đến với Tây Sơn. Trước lúc đi, anh cán bộ đi cùng nhắn nhủ, ở ngoài này nắng ấm là thế nhưng nhớ mặc thật ấm, bởi vượt qua cổng trời sẽ lạnh đến thấu da. Tôi không mấy tin bởi mình đã từng đến những vùng đất lạnh như Na Ngoi, Mường Lống và nghĩ rằng Tây Sơn làm sao lạnh bằng những nơi ấy. Nhưng quả thật, hơn 11 giờ trưa, thời tiết nơi đây vẫn còn rét buốt. Người dân ra đường với trang phục bịt kín, các em nhỏ được mẹ quấn tròn trong chiếc khăn ấm sau lưng... Nhấp bát nước chè xanh đặc sánh, anh Vừ Rá Tênh phấn khởi cho biết: Nhờ được hướng dẫn mô hình trồng lúa nước khép kín từ công đoạn khai hoang ruộng, lựa chọn con giống, triển khai kỹ thuật gieo cấy đến thu hoạch nên đã cho năng suất cao. Nghe và làm theo Đảng, đồng bào nay đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chia tay Tây Sơn, men theo sườn đồi, chúng tôi về với xã biên giới Mỹ Lý. Dọc hai bên đường, những bông hoa dại khoe sắc cùng bông lau trong gió tạo nên một xúc cảm khó tả. Sau cái bắt tay vội vã, Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Liệu chia sẻ: Hơn chục năm trước, tuy chỉ cách thị trấn khoảng 50km nhưng mỗi lần có việc ra huyện phải đi mất gần hai ngày đường, ngủ đêm ở Huồi Tụ. Nay ra Mường Xén chỉ hơn 1,5 giờ đồng hồ. “Đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi. Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của bà con nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho lái buôn. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có xuồng máy thì nay thay bằng xe máy; ở những bản có điện lưới quốc gia, có đến 70 - 80% nhà có ti vi hay tủ lạnh. Đây là điều mà người dân từng mơ ước”, ông Liệu vui mừng cho biết.

Như nhiều địa phương khác của Kỳ Sơn, trước đây nhắc đến Hữu Kiệm, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở và nghèo túng. Song bằng nỗ lực vận dụng các nguồn lực, đồng thuận của người dân, nơi đây đã tạo nên kỳ tích, là xã đầu tiên của huyện về đích NTM. Chị Vi Thị My (bản Na Chảo) cho biết: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, được huyện hỗ trợ 15 triệu đồng mua bò giống. Hằng tuần, cán bộ xuống chỉ dẫn chăm bò, chăm gà, trồng rau, trồng cỏ voi đúng kỹ thuật. Nay gia đình đã có đàn bò ba con, đàn gà hàng chục con. Bên cạnh đó, chị còn được dạy dệt thổ cẩm cho thu nhập khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

	Một góc Kỳ Sơn
Một góc Kỳ Sơn
Ảnh: DIỆP ANH

Trở lại Kỳ Sơn hôm nay, chúng tôi không khỏi “ngỡ ngàng” trước sự “thay da đổi thịt” của huyện miền sơn cước nơi phía Tây xứ Nghệ. Sắc mới đã đổi thay trên khắp bản làng, thôn xóm. Con đường “huyết mạch” vào các xã được rải nhựa phẳng lì, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang… Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của huyện năm 2020 vẫn đạt kết quả khá toàn diện. Sản xuất nông nghiệp duy trì trong điều kiện hạn hán kéo dài. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo còn 42,01%. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay có 1 xã đạt chuẩn NTM. Thương mại, dịch vụ phát triển hơn, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Thực tế, với huyện miền núi ‘‘đệ nhất khó khăn’’ và là một trong số các huyện nghèo nhất nước như Kỳ Sơn thì đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết của cả một tập thể. Như chia sẻ của người đứng đầu cấp ủy, nhờ vào đường lối, chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của tỉnh Nghệ An. Cùng với đó là nỗ lực của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Kỳ Sơn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện lưới quốc gia vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, vai trò, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị chưa cao; sự đôn đốc, chỉ đạo của các phòng ban, ngành, các cấp có nơi, có lúc chưa quyết liệt; tính chủ động xử lý của cấp cơ sở còn yếu. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện.

Chia sẻ về những giải pháp thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe nhấn mạnh: Huyện sẽ quan tâm sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, hàng hóa, nông sản với các huyện dọc tuyến biên giới Việt - Lào; trao đổi thông tin cùng giải quyết những vấn đề chung, bảo đảm an ninh biên giới…

Tạm biệt Kỳ Sơn khi ánh chiều vừa xuống, những người dân lên rẫy về với những bế đầy rau, bí. Bản làng đã bắt đầu sáng rực ánh đèn… Năm 2020 khép lại, vẫn biết còn đó rất nhiều khó khăn, nhưng tin rằng với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của Nhân dân, tương lai không xa, Kỳ Sơn sẽ đẩy được cái đói, xóa được cái nghèo: Ơ, các dân tộc Kỳ Sơn/ Một lòng đi theo Đảng/ Như Nậm Mộ, Nậm Nơn/ Cùng chảy theo một hướng/… Nay nhờ công ơn của Đảng đưa lối/ Dân tộc Kỳ Sơn đã đổi thay!

Ghi chép của DIỆP ANH