Ngập úng đô thị: Nhìn một cách tổng thể
ĐBQH BÙI THỊ AN (HÀ NỘI) cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ về quyền con người, trong đó có quy định mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải chú ý đến điều này, vì mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước cũng để nâng cao chất lượng đời sống người dân. Các địa phương không thể vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài, phải chấp hành nghiêm túc quy hoạch và các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xây dựng hệ thống thoát nước. Các cơ quan chức năng phải quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
>> Kỳ 1: Cái giá của đô thị hóa
Kỳ 3: Khắc phục được nếu tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng
Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn
- TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để cải thiện hệ thống tiêu thoát nước, nhưng chỉ sau 2 ngày mưa lớn thì đã xuất hiện hàng trăm điểm ngập nặng tại khu vực ngoại ô. Hiện tượng này xảy ra do nguyên nhân nào?
![]() Nguồn: motthegioi.vn |
- Nhưng có thể thấy, hiện tượng này liên tục lặp lại trong 10 năm ở TP Hồ Chí Minh, nên các giải pháp chống ngập lụt đã được phân tích rất kỹ càng. Đại biểu có những gợi ý nào đối với thành phố để ngăn chặn hiện tượng ngập lụt khi có mưa to?
- Trước khi đề cập đến các giải pháp chống ngập lụt, thì cần nhớ là chúng ta không thể thay đổi cấu tạo địa chất ở TP Hồ Chí Minh, thậm chí là một số khu vực sẽ còn tiếp tục lún xuống. Hay nói cách khác, tình trạng ngập lụt ở những địa bàn vùng trũng tại TP Hồ Chí Minh sẽ khó khắc phục được nếu không xây dựng đê bao chắn nước. Tuy nhiên, mỗi người dân cần có ý thức giữ gìn hệ thống ao hồ, kênh mương, không xả rác bừa bãi gây ách tắc hệ thống thoát nước. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Đối với các cơ quan chức năng, tôi cho rằng, cần tính đến những biện pháp dài hơi khi điều chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước như xây dựng thêm hồ chứa nước, mở các đoạn cống mới, tăng kích thước cống... TP Hồ Chí Minh tiếp giáp biển nên cũng có thể xây dựng những đoạn đường cống dài để thoát nước trực tiếp ra đại dương. Tất nhiên, nước thải thoát ra biển phải qua xử lý để bảo vệ môi trường và chọn địa điểm hợp lý để không bị nước xâm nhập ngược trở lại.
Làm sai quy hoạch phải dừng lại ngay
- Tại nhiều đô thị lớn ở nước ta cũng xảy ra tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn. Theo Đại biểu, tình trạng ngập lụt ở những đô thị này có cùng chung nguyên nhân với TP Hồ Chí Minh không?
- Do cấu tạo địa chất của mỗi đô thị khác nhau nên tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn cũng không hoàn toàn có nguyên nhân như TP Hồ Chí Minh. Nhưng có thể thấy, mưa lớn chỉ là một tác nhân, quan trọng nhất vẫn vì quy hoạch đô thị đã không bắt kịp sự phát triển của họ. Nhiều quy hoạch đô thị trước đây do không lường trước sự phát triển của địa bàn, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên quy hoạch không gian bề mặt và quy hoạch không gian ngầm đã chẳng còn phù hợp với mật độ dân số và xây dựng hiện nay. Say mê với thành tích phát triển đã khiến nhiều nơi lấp hồ ao, dù trong quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng luôn yêu cầu phải dành tỷ lệ nhất định về hồ ao, cây xanh nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững. Sự thắng thế này cũng khiến nhiều địa bàn thuộc vùng trũng của đô thị được trưng dụng để mở rộng diện tích đất xây dựng nhà ở, dù biết chắc mưa to sẽ ngập. Chính quyền và người dân địa phương nhận thức được điều này thì đa phần đều quá muộn, không còn nơi để chứa nước, nên dễ rơi vào tình trạng ngập lụt (có thể trên diện rộng hoặc cục bộ ở một số địa điểm).
- Như vậy có nghĩa là người dân tại những đô thị này phải “sống chung với ngập lụt” mỗi mùa mưa, không thể cải thiện được tình trạng này?
- Các vi phạm quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đều rất khó khắc phục, có chăng chỉ xác định được người chịu trách nhiệm trước những sai phạm trong quá khứ. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt ở những đô thị này là hồi chuông cảnh báo các địa phương phải kiên quyết thực hiện nghiêm quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng ở những khu đô thị mới. Thực tế, ngập lụt không chỉ khiến hàng trăm, hàng nghìn người đi xe máy, ô tô loay hoay giữa “biển nước”, mà còn gây nhiều hệ lụy khác. Người bệnh có thể không được cấp cứu kịp thời vì xe cứu thương bị mắc kẹt do đi vào đường bị ngập. Tại những vùng trũng, nếu hệ thống cống thoát nước quá tải cũng có nghĩa nước thải sẽ dâng ngược lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và mất nhiều thời gian mới xử lý được. Nhưng tôi tin tưởng, trong thời gian tới, quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch sẽ được giám sát chặt chẽ, vì bên cạnh thẩm quyền giám sát của QH, HĐND, thì Hiến pháp năm 2013 cũng trao quyền giám sát cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người dân không chỉ giám sát đơn lẻ, mà sẽ có điểm tựa vững chắc là những hiệp hội, tổ chức xã hội thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan giám sát thấy nơi nào làm sai quy hoạch cần yêu cầu dừng thực hiện ngay.
Phát triển của đô thị có khoảng cách lớn với quy hoạch
- Tình trạng ngập lụt xảy ra do ở nơi này, nơi khác đã không tuân thủ đúng quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng trong thực hiện hệ thống thoát nước. Thưa Đại biểu, những vi phạm này có thể xảy ra là do chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hay vì chế tài chưa đủ mạnh?
- Công tác quy hoạch đô thị đang được điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch Đô thị. Các địa phương khi thực hiện các dự án đều tính đến việc bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng phổ biến trên thế giới. Luật Xây dựng hiện hành cũng quy định rất rõ các công trình xây dựng dân dụng phải tuân thủ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, chính sách hiện hành mới quan tâm đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch mà chưa có sự chú ý đúng mức cần thiết đối với quản lý thực hiện quy hoạch. Hậu quả là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị, nói cách khác là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị. Quốc tế gọi hiện tượng này là “sự thất bại của quy hoạch”. Chế tài xử phạt với các vi phạm quy hoạch cũng chưa đủ sức răn đe, nhất là những công trình ảnh hưởng đến hệ thống cống ngầm, các ao hồ chứa nước của đô thị.
- Trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII này, Dự án Luật Quy hoạch đô thị (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ, song do chưa thống nhất quan điểm nên đã phải bỏ ra khỏi chương trình. Theo Đại biểu, QH có nên đưa lại Dự án Luật Quy hoạch đô thị (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ tới?
- Sửa đổi luật sẽ khó hơn nghị định, thông tư, vì cần sự xem xét, thông qua của 500 ĐBQH. ĐBQH chịu sức ép giám sát của cử tri, người dân nên chắc chắn không dễ xuôi theo nhóm lợi ích nào. Vì vậy, QH cần tiến hành sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị để khắc phục những hạn chế hiện nay như: chưa chú ý đến quy hoạch cảnh quan đô thị; phân loại đô thị còn trùng lặp; tiêu chí đô thị không rõ ràng nên đô thị đang phát triển tràn lan... Luật Quy hoạch đô thị (sửa đổi) cần có quy định để điều chỉnh cả khâu lập quy hoạch và quản trị đô thị.
Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành
- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang tiếp tục đến nhiều địa phương khác để giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng. Từ giám sát tại đồng bằng sông Cửu Long và quá trình giám sát hiện nay, Đại biểu thấy các đô thị nên chú ý những yếu tố nào để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó với ngập lụt?
- Chúng ta khó có thể chống lại biến đổi khí hậu, chỉ có thể hạn chế tác động và thích ứng với điều kiện này. Và để khắc phục tình trạng ngập lụt, nước ta cũng khó có thể học tập kinh nghiệm hình thành hệ thống đê bao như Hà Lan, hay xây dựng bể chứa ngầm như Nhật Bản... vì đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính mạnh. Trong điều kiện đất nước mới chỉ đạt thu nhập trung bình thấp, thì phải tính đến cách làm riêng của chúng ta, không áp đặt máy móc những kinh nghiệm trên thế giới. Công tác phòng, chống ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất khó thực hiện xã hội hóa, nên chắc chắn sẽ chủ yếu phải dựa vào ngân sách nhà nước. Do đó, các cơ quan chức năng phải quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ưu tiên các dự án cấp bách bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, của nhiệm kỳ, các địa phương cần lồng ghép những chỉ tiêu giúp phòng, chống ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng. Nếu không chú ý đến những yếu tố này thì rất dễ rơi vào tình trạng “của thiên trả địa”, tăng trưởng 1 đồng, nhưng phải dành từ 2 - 3 đồng để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Chúng ta chưa thể tính chính xác thiệt hại về kinh tế trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhưng các tác động đến đời sống hằng ngày của người dân có thể nhìn thấy ngay. Vì thế, việc chú ý đến các chỉ tiêu giúp phòng, chống ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng cũng có nghĩa kế hoạch phát triển sẽ hướng đến người dân, không chạy theo thành tích GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm... Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành, nên chính quyền các đô thị phải chú ý đến các yếu tố để tạo điều kiện để quyền này được thực thi. Các địa phương không thể vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài.
- Xin cảm ơn Đại biểu!