Ngành xuất bản trước ngã rẽ

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:10 - Chia sẻ
Cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ đặt ngành xuất bản trước ngã rẽ sang nền xuất bản hiện đại với hàm lượng tri thức và công nghệ lớn hơn. Trong bối cảnh đó, cần có những chính sách, quy định phù hợp, tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển.

Nhiều chính sách chưa được triển khai

Sáng 25.11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị sơ kết Luật Xuất bản trên phạm vi toàn quốc. Các ý kiến tại hội nghị đều nhận định, sau 7 năm triển khai Luật Xuất bản năm 2012 đã phát huy giá trị pháp lý quan trọng, đóng vai trò quyết định thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, là nền tảng căn bản để đưa hoạt động xuất bản phát triển đúng định hướng. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội của đất nước, cùng với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đáp ứng thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc

Theo PGS. TS Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Điều 7, Luật Xuất bản đã quy định rất rõ về các chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, như: Ưu đãi thuế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực xã hội; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà xuất bản; đặt hàng xuất bản; mua bản thảo có giá trị và hỗ trợ mua bản quyền; ưu đãi lãi suất vay vốn... Mặc dù vậy, đến nay, mới chỉ có 3 chính sách đi vào thực tế, còn lại hầu như chưa thể triển khai hoặc triển khai chậm, thiếu toàn diện. Một trong những chính sách được Hội Xuất bản Việt Nam hết sức quan tâm và đã kiến nghị nhiều cấp là việc xây dựng quỹ hỗ trợ xuất bản tạo nguồn bản thảo được quy định cụ thể tại Điểm C, Khoản 2, Điều 7, Luật Xuất bản, nhưng hầu như chưa có bước tiến nào trong thực tiễn từ năm 2012 đến nay.

Theo quy định của Luật Xuất bản, các nhà xuất bản được tổ chức và hoạt động theo hai loại hình: Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Hiện nay, toàn ngành xuất bản có 59 nhà xuất bản, trong đó 43 nhà xuất bản tổ chức hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự trang trải một phần chi phí, 16 nhà xuất bản tổ chức hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, tự hạch toán kinh doanh.

Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho rằng: Mô hình hoạt động, tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế, chính sách chung, sao cho các nhà xuất bản đều được hưởng lợi một cách hợp lý. Ngay trong nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản hiện nay cũng đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, các nhà xuất bản tự hạch toán, tự chủ về tài chính trong hoạt động lại phải cạnh tranh với nhà xuất bản được hỗ trợ chi phí, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực.

Khó khăn đặc biệt tập trung vào nhóm nhà xuất bản hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Bên cạnh việc phải tự trang trải toàn bộ chi phí cho hoạt động của đơn vị, các nhà xuất bản này còn phải chịu giá thuê nhà đất, trụ sở rất cao, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng, các quy định về lợi nhuận hàng năm, về bổ sung vốn điều lệ trong bối cảnh lợi nhuận kinh doanh ngày một xuống thấp… 

Xuất bản Việt đang đứng trước yêu cầu thay đổi trong thời đại số  

Ảnh: Th. Nguyên 

Chuyển đổi sang nền xuất bản hiện đại

Hiện nay, xu hướng số hóa và các ích lợi của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại không chỉ giới hạn ở ebook, audio books, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc).

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphabooks, các quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thay đổi, cập nhật để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển. Các cơ quan quản lý cần dịch chuyển và nâng vị thế của mình từ kiểm soát sang hỗ trợ chuyển đổi sang nền xuất bản hiện đại với hàm lượng tri thức và công nghệ lớn hơn. Hướng tới đưa công nghệ vào hỗ trợ hệ thống quản lý nhà nước về xuất bản, bao gồm: đăng ký xuất bản, lưu chiểu, phát hành… cho tới sử dụng AI hỗ trợ hậu kiểm, xây dựng và thiết lập platform - nền tảng quản trị xuất bản điện tử thống nhất.

Còn đại diện NXB Tư pháp nêu thực tế, thời gian qua, các nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn khi xây dựng Đề án xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử (hiện mới có 9 nhà xuất bản đủ điều kiện và được cấp phép). Do vậy, để đẩy mạnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử đáp ứng xu thế chung của thời đại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu, triển khai giải pháp thực hiện Đề án chung mang tính tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Việc này giúp các nhà xuất bản không phải đầu tư quá lớn kinh phí phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà vẫn có thể tham gia vào quá trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Nhiều ý kiến góp ý, tăng cường cơ chế để bảo đảm thực thi nghiêm túc, đầy đủ các quy định trong hoạt động xuất bản, in và phát hành để có thể ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho hoạt động xuất bản chân chính. Thực tế cho thấy đây là một trong những khâu rất yếu của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua, là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm bản quyền, in lậu, vi phạm quy định về liên kết xuất bản tiếp diễn trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường công tác dự báo, định hướng chiến lược dài hạn, hàng năm đối với quá trình phát triển của hoạt động xuất bản...

Việc điều chỉnh, thay đổi những quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và quản lý nhà nước và phát triển hoạt động xuất bản là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập.

Thảo Nguyên