"Ngành mía đường vẫn rất chật vật"

- Thứ Sáu, 09/04/2021, 05:47 - Chia sẻ
Theo quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, dù Bộ Công thương đã áp dụng phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan nhưng ngành mía đường vẫn sẽ rất chật vật bởi những hệ quả của năm cũ để lại.
	Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc
Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc 
Nguồn: ITN

Khẳng định lại năng lực

- Việc bỏ hạn ngạch thuế quan với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN theo Hiệp định tự do trong khu vực (ATIGA) từ đầu năm ngoái tác động như thế nào tới ngành mía đường, thưa ông?

- Năm 2020, khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu theo quy định tại ATIGA, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, gấp đôi lượng đường sản xuất trong nước. Trong đó, đường nhập khẩu từ Thái Lan lên đến gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Điều này gây nhiều khó khăn với doanh nghiệp sản xuất đường cũng như hộ nông dân trồng mía trên cả nướcMột loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, hơn 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Nếu trước khi hội nhập ATIGA, nước ta có 41 nhà máy mía đường thì hiện chỉ còn 25 nhà máy hoạt động.

-  Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Quyết định  477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

- Đây là hành động kịp thời và cực kỳ quan trọng, chứng minh rằng có hành vi trợ cấp và bán phá giá gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho ngành mía đường. Sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan bao gồm đường tinh luyện và đường thô đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%, trong khi sản xuất của ngành tại mọi quốc gia chi phí mía chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất. Tức là liên tiếp trong nhiều năm lượng đường phá giá đã tràn vào gây tác dụng ép giá khiến ngành mía đường Việt Nam phải bán ở mức giá không đủ trả tiền nguyên liệu mía.

Quyết định này cũng cho thấy rõ thực trạng môi trường cạnh tranh trong ngành mía đường ở khu vực đã bị biến dạng bởi các biện pháp trợ cấp và phá giá để dành thị phần, chứ không có sự cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, phần nào minh oan được cho ngành mía đường bởi từ trước đến nay vẫn thường có nhận định là ngành mía đường kém, không chịu đổi mới mà chỉ đi xin cơ chế.

Tôi mong rằng quyết định áp thuế chính thức với mức thuế phù hợp sẽ sớm được ban hành để bảo đảm giá mía đường, giúp các doanh nghiệp có được sân chơi minh bạch, lành mạnh với các đồng nghiệp trong khu vực.

- Hơn 2 tháng qua, tình hình nhập khẩu đường có giảm không, thưa ông?

- Số liệu từ phía Hải quan mà chúng tôi nắm được thì đường nhập khẩu vẫn chưa giảm và có hiện tượng lẩn tránh thuế. Tức là tìm cách sao cho các chứng từ được khai trước khi quyết định 477 có hiệu lực và gia tăng đột biến nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN khác nhưng bản chất vẫn là đường Thái Lan để được hưởng mức thuế ATIGA 5%. 

Củng cố chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp

- Vậy tương lai ngành mía đường năm nay sẽ ra sao?

- Năm nay ngành mía đường vẫn sẽ rất chật vật bởi hậu quả của năm trước để lại khiến diện tích mía giảm, dẫn đến giá thành tăng gây khó khăn trong sản xuất. Dù Bộ Công thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng thực tế vẫn đang bị cạnh tranh do đường nhập khẩu chưa giảm và có cả đường nhập lậu, gian lận thương mại. Bản thân ngành mía đường cũng gặp phải những trở ngại và nếu không sớm giải quyết thì sẽ khó tồn tại.

		Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

- Vậy, đâu là giải pháp hỗ trợ và bảo vệ ngành mía đường?

- Chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau. Thứ nhất, hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực trồng mía vốn là khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết sản xuất và làm giảm thu nhập của người trồng mía. Phía Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm, nâng cấp hệ thống hạ tầng khu vực trồng mía để hỗ trợ giảm chi phí trong công tác thu hoạch vận chuyển. Thứ hai, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm phụ của ngành mía đường như điện sinh khối, cồn nhiên liệu, phân vi sinh tương tự như các nước trồng mía trong khối ASEAN đã thực hiện. Thứ ba, nút thắt về tín dụng đang là điểm yếu của doanh nghiệp và phải sớm tháo gỡ, bởi họ rất cần vốn để phục hồi sản xuất và hỗ trợ nông dân phục hồi vùng nguyên liệu.

Ngày 9.2.2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trước đó, Bộ Công thương đã có cuộc điều tra kéo dài 5 tháng, kết quả cho thấy, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp mía đường cần tận dụng cơ hội để xây dựng lại chuỗi liên kết với người nông dân, hình thành lại vùng nguyên liệu chất lượng sau thời gian dài bị gián đoạn. Việc này cần ít nhất 3 năm, do đó doanh nghiệp phải hỗ trợ thêm cho người nông dân nâng cao đời sống để gắn bó hơn với cây mía.

- Cụ thể thì cần chính sách gì để thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp?

- Tại các nước sản xuất mía đường trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, hệ thống pháp luật về mía đường của họ bảo đảm nông dân trồng mía được hỗ trợ thông qua hệ thống chia sẻ lợi nhuận với nhà máy. Ngoài ra, còn có các hệ thống tính toán giá mía tối thiểu để bảo đảm đời sống của người nông dân song song với các biện pháp kiểm soát giá đường giúp hài hòa lợi ích với người tiêu thụ đường. Ở Việt Nam, việc chưa có hệ thống chia sẻ lợi nhuận giữa nông dân trồng mía và nhà máy chế biến được quy định bởi pháp luật là một thiệt thòi đối với người trồng mía.

Trước mắt, cần phải có chính sách hỗ trợ khuyến cáo giá mía, giá đường hợp lý để bảo đảm thu nhập cho người trồng mía và hài hòa lợi ích với người tiêu thụ đường. Việc minh bạch phương thức đo đếm chữ đường và tạp chất cũng là cách để nâng cao mối quan hệ giữa người trồng mía và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung