Ngành chăn nuôi chủ động nguồn cung dịp cuối năm

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 17:43 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 ngày 8.10. Cục chăn nuôi nhận định, từ nay đến cuối năm cơ bản chủ động được nguồn cung chăn nuôi cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến yêu cầu, để Ngành Chăn nuôi đảm bảo chủ động nguồn cung những tháng cuối năm 2021 và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cần có giải pháp về giống, giá thức ăn, vật tư đầu vào và vaccine để sớm tổ chức sản xuất, tránh thiếu hụt thực phẩm.

Cơ bản chủ động nhu cầu thực phẩm

Cục Chăn nuôi cho biết, trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội thời gian dài, sản xuất chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc phát triển ổn định. Cơ bản các địa phương có khả năng tự cân đối cung cầu, một số địa phương sản xuất dư, có khả năng cung cấp cho một số tỉnh phía Nam thiếu hụt thực phẩm.

		Toàn cảnh Hội Nghị
Toàn cảnh Hội Nghị
Ảnh: Hạnh Nhung

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn; trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 nghìn tấn sữa. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

Theo kế hoạch sản xuất, sản lượng thịt các loại năm 2021 khoảng 6,2 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn; thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn; thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn. Căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu của tiêu dùng cân đối giữa các vùng cuối năm cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, từ nay đến cuối năm không lo thiếu thịt nhưng lo về chất lượng, an toàn thực phẩm cho người dân. Nhiều địa phương phải phụ thuộc nguồn hàng của địa phương khác. Dịch Covid-19 cho thấy, do chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo được quy định về an toàn thực phẩm nên nhiều chuỗi bán lẻ, siêu thị không nhập được hàng.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cũng chỉ rõ, trong những tháng cuối năm lĩnh vực chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện các cơ sở sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chế biến thô vẫn là chủ yếu, gắn kết theo chuỗi tỷ lệ chưa cao, chất lượng an toàn thực phẩm còn thấp. Khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ sản xuất chăn nuôi gặp khó do dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, khu vực nên hiệu quả chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi phải dừng hoạt động dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhu cầu tiêm vaccine cho người sản xuất, chế biến, thu mua vận chuyển lưu thông cao nhưng vaccine chỉ mới đáp ứng được 10-15% mũi thứ nhất…

Sớm điều tiết việc nhập khẩu thịt lợn

Năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường triển khai các nội dung như giá trị sản xuất ngành tăng khoảng 5,5-6,0% so với năm 2021. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) đạt mức 33-34%...

	Dịp cuối năm ngành chăn nuôi vẫn chủ động được nguồn cung
Dịp cuối năm ngành chăn nuôi vẫn chủ động được nguồn cung
Nguồn: ITN

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất và chủ động nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán 2022. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang đề nghị, Bộ NN-PTNT sớm kiến nghị Chính phủ điều tiết việc nhập khẩu thịt lợn, thịt gia cầm. Do nguồn cung trong nước đã đủ, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người chăn nuôi đang thua lỗ, nếu tiếp tục nhập khẩu sẽ kìm hãm phát triển chăn nuôi. Các tỉnh, thành cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người chăn nuôi tiếp cận các phương án chống dịch để chủ động được phương án sản xuất. Quan tâm, đẩy mạnh tham gia vào các kênh thương mại điện tử với đối tượng chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ.

“Cần có sự hỗ trợ về tín dụng” là đề xuất của bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định. Theo đó, cần có chính sách tín dụng riêng đối với người chăn nuôi, đặc biệt là giảm lãi suất để cho các doanh nghiệp xây kho lạnh, dự trữ sản phẩm chăn nuôi trong thời điểm giá rất thấp như hiện nay. Thứ nữa là khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ chăn nuôi trang trại để họ duy trì sản xuất, ít nhất để duy trì đàn nái. Bên cạnh đó, có giải pháp quản lý khi giá thức ăn liên tục tăng cao hoặc bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, khi đó mới có thể hạ giá thành sản xuất chăn nuôi xuống được.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO Việt Nam cho rằng, trước mắt, cần làm tốt quy hoạch ngành chăn nuôi và vùng nguyên liệu sản xuất chăn nuôi hợp lý, giảm dần sự phụ thuộc nhập khẩu, hạn chế chi phí sản xuất, hạ giá thành. Về lâu dài, tiếp tục tháo gỡ những rào cản về thể chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp. 

Về tái đàn, Thứ trưởng cho rằng, khi dịch được khống chế, nhu cầu thực phẩm tăng trở lại vào cuối năm và cả dịp Tết do đó Cục Chăn nuôi phải cân đối cung-cầu sát sao, căn cứ vào đặc điểm sinh học của từng đối tượng để tính toán chu kỳ sản xuất. Riêng về vấn đề tăng giá thức ăn chăn nuôi, hiện Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Đồng thời tháo gỡ khó khăn về lưu thông để đảm bảo cung ứng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu. “Việc tập trung tháo gỡ những chính sách còn chồng chéo từ đó khơi thông nguồn lực cũng là một trong những giải pháp cần quan tâm để hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hạnh Nhung