Ngân hàng và cuộc đua chuyển đổi số

- Thứ Bảy, 30/01/2021, 18:55 - Chia sẻ
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, là sự phát triển đột phá về công nghệ. Trong cuộc cách mạng đó, cụm từ “chuyển đổi số” được nhắc đến nhiều hơn như một xu hướng tất yếu. Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số được các ngân hàng đặc biệt chú trọng bởi đây là trọng tâm phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Chính vì thế, cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng đã và đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Xu hướng tất yếu của thời đại

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước là tài chính - ngân hàng. Ngành tài chính ngân hàng mang trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Kinh tế số, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại.

Xu hướng này càng được củng cố hơn khi thanh toán điện tử được đẩy mạnh trong những năm gần đây, tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh.

Các chuyên gia, khách mời thảo luận tại Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc”.   

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, số hóa là xu thế tất yếu, là cuộc chiến "sống còn" của ngành ngân hàng và bối cảnh dịch Covid-19 đã góp phần cộng hưởng, đẩy nhanh quá trình này. Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Trong xu thế số hóa mạnh mẽ đó, phát triển ngân hàng số dường như là con đường tất yếu phải đi của các ngân hàng Việt Nam, là cuộc đua không có điểm dừng, thậm chí là cuộc chiến "sống còn" nếu không muốn thất bại.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tạo ra hai lợi ích cơ bản là giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, luôn đổi mới và thích ứng với chuyển đổi số ngân hàng.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long

Ông Long cũng cho hay, thông thường mỗi năm, 1 ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình ATM hay LiveBank (hoạt động gần như 1 phòng giao dịch tự động) lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ (24/7). Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm tốc độ tăng trưởng khách hàng so với 1 chi nhánh truyền thống là 100 lần (khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng), năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng...

Ngoài ra, ngân hàng số còn giúp kiểm soát chi phí giao dịch và vận hành ở mức thấp. Cụ thể, theo số liệu của một ngân hàng cho biết chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại 1 chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank, chi phí này chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch, tương ứng giảm 50% và đối với eBank chỉ mất 2%/giao dịch, tức là chưa đến 500 đồng/giao dịch.

Tương tự, chi phí vận hành (bao gồm đầu tư và duy trì) của LiveBank chỉ bằng 20% so với một chi nhánh truyền thống. Ứng dụng công nghệ giúp gia tăng năng suất của AI Chatbot, dẫn đến giảm tải 30% cho lực lượng tổng đài trung tâm (Call Center), hay như công nghệ sinh trắc học nhận diện giọng nói (Voice Biometrics) đã giúp giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi...

Chia sẻ tại Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc”, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng HDBank, bà Đỗ Tuyết Trinh cho biết, chuyển đổi số mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Đặc biệt là khách hàng ở vùng sâu vùng xa, họ có thể giao dịch được trên điện thoại với các hình thức như: Gửi tiết kiệm, thanh toán điện, nước, nạp thẻ điện thoại, QR code. Tại HDBank, công cuộc chuyển đổi số đang được đặt lên hàng đầu, là mục tiêu quan trọng nhất.

Cơ hội và thách thức

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng cho biết, tính đến nay có 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 38% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 15% có dự định triển khai.

Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3 – 5 năm tới, có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong phát triển ngân hàng số với hơn 50% dân số sở hữu smartphone, 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới tuổi 35 chiếm hơn 50%, thuê bao Internet khoảng 67%, thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình của người Việt  là 2 giờ/ngày; tăng trưởng thương mại điện tử đạt tốc độ 30%/năm.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Trong khi đó, dân số trưởng thành không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng xấp xỉ 50%; đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng khoảng 10%. Do đó, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chính của nhiều ngân hàng thương mại trong nước và đã có nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển đổi số đối diện nhiều thách thức: Cơ sở hạ tầng cũng đòi hỏi hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật. Ngoài ra, nhiều vấn đề đặt ra trong hợp tác giữa ngân hàng với công ty fintech như an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Ngoài ra, còn thiếu chính sách và quy định pháp luật hỗ trợ chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về sản phẩm hoàn toàn mới dẫn đến việc các ngân hàng dè dặt cho ra mắt sản phẩm mới, những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng…

Năm 2021 được dự báo sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số, sẽ có các chuyển đổi tích cực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng suất thông qua tự động hoá, các nền tảng mới gắn kết khách hàng sẽ ra đời. Tuy nhiên, dù có khá nhiều yếu tố hỗ trợ, điều kiện thuận lợi nhưng công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như thách thức về mặt công nghệ, dữ liệu, nhân sự, quy trình… Đây thật sự là những khó khăn của các ngân hàng.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và ngân hàng số lên một tầm cao mới. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cần phải có giải pháp của cả hai phía là cơ quan quản lý và ngân hàng.

Xuân Tùng