Ngân hàng Thế giới công bố 2 báo cáo về môi trường Việt Nam và khu vực

- Thứ Hai, 20/01/2014, 16:34 - Chia sẻ
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố hai báo cáo Đánh giá lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị khu vực Đông Á - Thái Bình Dương: Những hành động cần thiết và Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam. Các báo cáo đã khẳng định dịch vụ vệ sinh đô thị bền vững mang lại nhiều lợi ích lớn tại Việt Nam và trong khu vực.
Báo cáo Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, tập trung nghiên cứu những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải do môi trường bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong công tác xử lý nước thải đô thị và những năm gần đây đã đầu tư khoảng 500 triệu USD mỗi năm vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh, dự tính từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD vào lĩnh vực xử lý nước thải đô thị. Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị phục vụ các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Đối với các nhà quản lý cấp Trung ương xem xét việc xây dựng Chiến lược quốc gia, áp dụng những nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; phát triển các chính sách và cơ chế phù hợp về tài chính cho lĩnh vực, kể cả đầu tư và vận hành, bảo dưỡng; Xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích mô hình đối tác công - tư và sự tham gia của khối tư nhân. Báo cáo cũng đã đề xuất thông điệp gửi tới chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ xem xét việc lập quy hoạch vệ sinh môi trường cho toàn thành phố, lưu vực sông, hoàn thiện các quy định thể chế và pháp luật ở địa phương...

Báo cáo Đánh giá lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị khu vực Đông Á - Thái Bình Dương: những hành động cần thiết đã tổng hợp nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề vệ sinh đô thị tại 3 nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu những yếu tố cản trở sự phát triển lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị và đề xuất các biện pháp để các nước kể trên, các nước khác trong khu vực mở rộng, nâng cao dịch vụ vệ sinh đô thị một cách toàn diện, bền vững. Báo cáo cho rằng, các nhà quản lý cần phát triển các chính sách tập trung vào con người; thúc đẩy giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế chi phí; phát triển tổ chức thể chế bền vững để bảo đảm chất lượng dịch vụ; xây dựng các kế hoạch tài chính khả thi...
(Theo TTXVN)