Trục lợi dưới mọi hình thức
Theo Đại diện Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam, một trong những hành vi gian lận khá phổ biến đó là có doanh nghiệp không có ý thức chốt và trả sổ BHXH cho người lao động; người lao động cũng ít khi nhận sổ bảo hiểm sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa… Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng với doanh nghiệp thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
Cần ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN |
Trong lĩnh vực BHYT, có trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đi khám bệnh nhiều lần trong một ngày tại nhiều cơ sở y tế khác nhau hoặc có việc người bệnh mượn thẻ, tẩy xóa thông tin trên thẻ BHYT của người khác để thực hiện việc khám, chữa bệnh dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc từng phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám, chữa bệnh trở lên với số tiền lên tới hơn 7,7 tỷ đồng.
Đáng nói là ngay cả trong các bệnh viện cũng xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm để trục lợi. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện các bệnh viện lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, TAND TP Hòa Bình vừa mở phiên tòa xét xử công khai 8 bị cáo là bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về hành vi gian lận, trục lợi BHYT. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 12.2017, các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh và Khoa Nội tổng hợp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập khống 8 hồ sơ bệnh án và nâng khống 628 ngày điều trị của 113 hồ sơ bệnh án để lấy thuốc, vật tư y tế mang đi bán lấy tiền, gây thiệt hại cho quỹ BHYT 273.570.832 đồng. Trong đó, Khoa Sơ sinh nâng khống 387 ngày điều trị của 100 hồ sơ bệnh án để trục lợi 116.185.017 đồng; Khoa Nội tổng hợp lập khống 8 hồ sơ bệnh án và nâng khống 13 hồ sơ bệnh án với 241 ngày điều trị để trục lợi 157.385.815 đồng.
Tiếp tục hoàn thiện quy định
Theo thống kê BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4, cả nước có 14,367 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 93,9% kế hoạch và tăng 69.500 người so với tháng 3.2019. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 83,7 triệu người, đạt 98,3% kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ là 88,8%; tăng 306 nghìn người so với tháng 3.2019. |
Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215). Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc bổ sung đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Song, vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần hướng dẫn cụ thể hơn.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự. Dự thảo Nghị quyết đã làm rõ và định hình cụ thể trường hợp chiếm đoạt tiền BHXH quy định tại Khoản 1, Điều 214 Bộ luật Hình sự là hành vi tạo lập hồ sơ BHXH giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ để hưởng ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí trái quy định…
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến băn khoăn về việc tại sao lại tách hành vi chiếm đoạt BHXH này ra xử lý bằng tội phạm riêng, có phải vì khách thể mà điều luật này bảo vệ không chỉ là quyền sở hữu tài sản mà còn là quan hệ lao động và hoạt động bình thường của hệ thống an sinh xã hội? Ngoài ra, căn cứ, cơ sở để xác định thiệt hại cũng là vấn đề cần hướng dẫn cụ thể. Thiệt hại do các hành vi gian lận BHXH, BHTN gây ra được xác định trên cơ sở nào, có thể bao gồm cả chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại như chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra; thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi vi phạm và chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm hay không? Đối với tội gian lận BHYT cũng cần phải làm rõ chiếm đoạt tiền BHYT đối với những loại chế độ nào, các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng là chi phí gì?
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đặt câu hỏi về việc xử lý 1 tội hay 2 tội đối với trường hợp người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN; thẻ BHYT. Bởi theo dự thảo Nghị quyết hướng dẫn trong trường hợp người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ, thẻ bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu dấu của cơ quan, tổ chức. Đây cũng là nội dung cần cân nhắc và làm rõ.