Ngăn chặn bạo lực gia đình

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:11 - Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Một trong những lý do được Bộ đưa ra để sửa đổi Luật này là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

Gần đây, tình trạng bạo lực gia đình đã trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội. Không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện cả ở khu vực thành thị. Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với những đối tượng có trình độ thấp mà còn xảy ra ở cả những người được cho là có kiến thức và hiểu biết xã hội.

Có lẽ, nhiều người chưa thể quên hình ảnh một phụ nữ sống tại chung cư phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội tay đang ôm con nhỏ mới sinh nhưng vẫn bị người đàn ông lao vào đánh đập. Điều đáng nói, đối tượng bạo lực người phụ nữ này lại chính là chồng chị. Không chỉ chồng bạo hành vợ, nhiều trẻ em cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Thực trạng này đã được đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chỉ rõ trên diễn đàn Quốc hội. Đó là tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động.

Điều đáng nói là nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra, điều này gây bức xúc dư luận. Đơn cử như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt, vụ việc đến cuối năm 2017 mới bị phát giác. Hay vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não… Dẫn ra hàng loạt câu chuyện đau lòng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh rằng, “đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”. Bởi, bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người.

Đa số những nạn nhân trong các vụ bạo lực này đều là những người yếu thế, phụ nữ và trẻ em. Những đối tượng tấn công họ lại là những người thân trong gia đình, đó là nỗi đau rất lớn. Đáng nói là, dù bị bạo hành nhưng những người trong cuộc thường ít lên tiếng, bởi tâm lý cam chịu, “xấu chàng hổ ai”.

Hành vi bạo lực trong gia đình không chỉ xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, mà còn làm xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Đó là do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. Cùng với đó là tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; người dân thiếu kỹ năng ứng xử trong gia đình. Trong khi đó, cộng đồng, chính quyền, đoàn thể còn thiếu quan tâm, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, do chế tài xử lý đối với những trường hợp này chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, thiên về hòa giải, phê bình, góp ý.

Đáng nói là, Luật hiện hành chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình và tổ chức nhưng không gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực thi pháp luật mang yếu tố cảm tính - phụ thuộc vào sự quan tâm của người đứng đầu, bởi thực hiện nghiêm các quy định cũng được, thực hiện nửa vời thì người đứng đầu cũng chẳng sao.

Để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực cũng như xử lý nghiêm đối tượng có hành vi bạo lực, việc sửa đổi Luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần bảo đảm các quy định phải chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm đối với từng nhóm đối tượng, cơ quan có liên quan. Đặc biệt, là quy định rõ người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều quan trọng nữa là, cần đổi mới cách thức truyền thông để mọi người hiểu rõ được hậu quả của bạo lực gia đình cũng như cách phòng, tránh; để các nạn nhân, cộng đồng chủ động lên tiếng khi có bạo lực gia đình xảy ra. Cần xác định, ngăn chặn bạo lực gia đình là nhiệm vụ chung của cộng đồng, không còn là “chuyện trong nhà tự đóng cửa bảo nhau”.

Lê Hùng