Ngăn chặn “bong bóng” bất động sản

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 21:02 - Chia sẻ
Trước tình trạng xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, và một số địa phương giá đất trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn rủi ro. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bất động sản vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại nhiều địa phương. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường thiếu minh bạch. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Tại một số địa phương đã và đang xảy ra tình trạng: Doanh nghiệp triển khai kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai trái quy định. Giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số địa phương xảy ra trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, thậm chí có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản.

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở. Ảnh minh họa

Trước thực trạng này, việc Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản là rất cần thiết. Theo đó, các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản trên địa bàn; đồng thời, tổng hợp thông tin, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông. Xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.

Sự vào cuộc của Bộ Xây dựng rất kịp thời, chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua. Điều này rất có ý nghĩa quan trọng khi mà giá bất động sản ở một số khu vực đang có dấu hiệu “sốt” ảo.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản thời gian qua đang có sự tăng trưởng “nóng”. Điều này gây ra nhiều hệ lụy. Việc giá đất tăng không chỉ khiến giá nhà ở liên tục tăng cao, mà còn ảnh hưởng tới nhiều hoạt động khác, trong đó có công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông. Ngoài ra, việc đất tăng giá cũng gây không ít trở ngại cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Giá đất tăng khiến chi phí đất đai đầu vào tăng, đẩy chi phí thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp tăng theo.

Vậy giá bất động sản tăng cao có đúng thực trạng thị trường bất động sản không, hay do bị “thổi giá” của giới đầu cơ?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" vừa qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế của chúng ta “đang có vấn đề”. Bởi trong nền kinh tế, hiệu quả đầu tư tốt là khi bỏ ra một đồng thì giá trị tạo ra hơn 1 đồng, nhưng hiện tiền vốn chúng ta bỏ ra 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ có 70 – 80 đồng. Một trong những nguyên nhân theo ông Cường là do tiền đó đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên. Cho rằng, hiện chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, do đó, ông Cường cho rằng, nếu để dòng tiền đó đầu tư vào các công trình này chính là cơ hội cho đầu tư phát triển thay vì tạo ra “bong bóng”.

Có thể thấy, đầu cơ là một trong những nguyên nhân làm giá bất động sản tăng cao thời gian qua, tạo nên cơn sốt đất. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, đến chính túi tiền của người mua bất động sản khi có nhu cầu sử dụng.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng tiêu cực trong đấu giá đất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Xây dựng đã vào cuộc, do đó các địa phương phải kịp thời triển khai các chỉ đạo, yêu cầu này. Theo đó, phải tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản. Kiểm tra, kiểm soát chặt, ngăn chặn từ sớm tình trạng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, làm méo mó thị trường bất động sản để trục lợi. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Có như vậy mới bình ổn thị trường bất động sản, tránh xảy ra cơn sốt đất, “bong bóng” bất động sản như đã từng xảy ra.

Hà An