Nga sẽ hạ được nhiệt ở Trung Đông?

- Thứ Ba, 18/05/2021, 08:04 - Chia sẻ
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho biết, nước này sẵn sàng cung cấp một địa điểm ở Moscow cho các cuộc đàm phán hòa giải xung đột Palestine - Israel. Liệu mong muốn trở thành trung gian hòa giải của xứ sở Bạch Dương có giúp chảo lửa Trung Đông đang bùng cháy dữ dội giảm nhiệt?

Cái thế của Nga

Ông Slutsky thông tin, do Mỹ chưa sẵn sàng cho cuộc họp hòa giải của Bộ Tứ Trung Đông nên Nga đang muốn triệu tập một bộ tứ khác “hoàn toàn là Trung Đông theo khía cạnh địa lý” gồm Israel, Palestine và các quốc gia Ảrập đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Theo The National Interest, tác giả Mark Episkopos viết, nhắc đến hòa giải, người ta thường nghĩ ngay đến Mỹ. Mặc dù chính quyền Washington có cam kết an ninh hàng chục năm với Israel, song Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ phe ủng hộ Palestine ngay trong Đảng Dân chủ của mình. Vì vậy, Mỹ đang chật vật để xác định một chiến lược hòa giải mạnh mẽ hơn ngoài động thái kêu gọi chấm dứt xung đột đơn thuần như hiện nay. Trong khi đó, với Nga, xung đột tại Dải Gaza càng leo thang, nước này càng khó cân bằng quan hệ với Israel và Palestine nhằm duy trì và mở rộng lợi ích của mình tại Trung Đông. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, Moscow hoàn toàn có khả năng làm trung gian hòa giải tốt nhất cho cuộc xung đột Israel - Plalestine. Bởi Nga có mối quan hệ tốt với cả hai bên. Hiện tại phía Nga đang tích cực tham vấn với các phái đoàn từ Palestine. Đại sứ Palestine tại Moscow, ông Abdel Hafiz Nofal từng tự tin Nga có thể thuyết phục Israel về những quyền lợi của Palestine một cách công bằng. Hơn nữa, không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu, Nga không coi phong trào Hồi giáo Hamas là tổ chức khủng bố và từng tiếp đón các phái đoàn của Hamas để bàn về nỗ lực hòa bình.

Ở chiều ngược lại, dưới thời Tổng thống Putin, mối quan hệ giữa Nga và Israel rất tốt đẹp cho dù Israel vẫn là đồng minh chiến lược của Mỹ. Tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Putin còn đến Israel dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung người Do Thái Auschwitz-Birkenau khỏi Đức Quốc xã. Đây là chuyến thăm Israel thứ ba của ông kể từ khi lên nắm quyền năm 2001. Tel Aviv thực sự đóng vai trò quan trọng giúp Moscow gia tăng lợi ích ở Trung Đông.

Do đó, qua việc tăng cường sự hiện diện và uy tín với cả hai bên, Moscow sở hữu sức ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hòa giải giữa Israel và Palestine. Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 14.5, Tổng thống Putin đề nghị các cơ quan liên quan phải đánh giá thẳng thắn vai trò của Nga trong cuộc xung đột này. Ông gọi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga, “ảnh hưởng trực tiếp” đến chương trình nghị sự về an ninh của nước này. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga đề xuất mở rộng nhóm Bộ Tứ các nhà trung gian hòa giải về Trung Đông theo hình thức mới “4+4+2+1”, bao gồm 4 thành viên ban đầu cộng với 4 nước Ai Cập, Jordan, UAE, Bahrain, thêm Israel, Palestine và Ảrập Xêút.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, Nga vẫn sẽ rất thận trọng để cân bằng quan hệ với cả Israel và Palestine trong cuộc mâu thuẫn phức tạp nhất thế giới này. Bởi chỉ cần chệch một bước là mọi nỗ lực gây dựng quan hệ với 2 bên cùng những mắt xích lợi ích liên quan ở Trung Đông có thể bị ảnh hưởng.

Nguồn: ITN

Quan điểm của Nga về xung đột Israel - Palestine

Theo Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin mới đây cho biết, Moscow kêu gọi nỗ lực tạo điều kiện để khởi động lại đối thoại hòa bình giữa Palestine và Israel. “Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là ngừng bắn và chấm dứt các hành động thù địch. Chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, để tránh thiệt hại cho dân thường và cơ sở hạ tầng dành cho các nhà báo và phương tiện thông tin đại chúng”, ông phát biểu tại cuộc họp trực tuyến bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về giải quyết xung đột Palestine - Israel.

Ông Sergei Vershinin cũng lưu ý, Nga luôn khẳng định mọi nỗ lực nhằm thay đổi tình trạng địa lý, nhân khẩu học và lịch sử của Đông Jerusalem là vô hiệu về mặt pháp lý. “Bây giờ, phải tôn trọng hiện trạng của các thánh địa, bảo đảm quyền và tự do của các tín đồ đối với hoạt động tôn giáo ở Đông Jerusalem, cái nôi của ba tôn giáo, và cần tính đến tính nhạy cảm cao của vấn đề này".

Theo nhà ngoại giao cấp cao Nga, đối thoại giữa Palestine và Israel đòi hỏi “từ chối bất kỳ bước đơn phương nào, bao gồm các hoạt động xây dựng khu định cư, phá hủy cơ sở sinh sống của người Palestine, trục xuất người dân Ảrập khỏi nơi cư trú ban đầu, các hành động khiêu khích và kích động bạo lực”.

Theo Thứ trưởng Vershinin, sự leo thang xung đột hiện nay được kích động bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó mấu chốt là thiếu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel. Ông nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán như vậy được kêu gọi để giúp người Palestine và người Israel đưa ra các giải pháp cho tất cả các vấn đề cơ bản về quy chế cuối cùng”. Ông cũng nhấn mạnh, lời mời của Nga tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Moscow vẫn còn trên bàn.

Ngọc Minh