Nền tảng quan trọng để doanh nghiệp phục hồi

- Thứ Hai, 10/05/2021, 07:22 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cùng với làn sóng dịch thứ 4 ở trong nước, đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn hơn. Theo các chuyên gia, sự ổn định của chính sách thuế, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới chính là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

"Đòn" Covid mỗi ngày một ngấm

87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân, 22% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phải cho người lao động nghỉ việc. Kết quả cuộc điều tra với quy mô hơn 10 nghìn doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) cùng thực hiện trong năm 2020 là điều đã được tiên liệu.

 

	Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn    Ảnh: Nguyễn Tuân
Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn
Ảnh: ITN

Cũng không bất ngờ khi doanh nghiệp ngày càng “ngấm đòn” trước những làn sóng Covid. Chưa kịp hồi phục sau “bạo bệnh" do đại dịch Covid-19 gây ra trong hai đợt đầu, doanh nghiệp lại bị dội tiếp đợt dịch thứ 3 hồi trước Tết nguyên đán. Hệ quả là hơn 40.000 doanh nghiệp đã phải rời thị trường trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng qua có 13.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, vượt xa con số trung bình hàng tháng của năm 2020 (8.475 doanh nghiệp rời thị trường).

Diễn biến này cộng với “làn sóng” dịch bệnh lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy khó khăn đã và sẽ bủa vây doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, đáng tiếc là hiệu quả của các chính sách hỗ trợ chưa được như mong đợi, nếu không muốn nói còn khá khiêm tốn.

Chính sách nhiều nhưng chưa đủ

Theo khảo sát của VCCI, từ khi đại dịch bùng phát cho đến 31.12.2020, cả nước có 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn bão Covid của chính quyền các cấp rõ ràng là không thể phủ nhận. Tuy vậy, khoảng cách từ chính sách đến hành động thực tiễn vẫn còn rất lớn. Khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp dễ tiếp cận nhất các chính sách gia hạn về thuế. Ngược lại, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động khó tiếp cận nhất.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một số chính sách hỗ trợ còn bất cập, điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ quá ngặt nghèo, thiếu thực tế. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thủy xác nhận, đa số doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách hỗ trợ người lao động vì không thể đáp ứng các điều kiện đi kèm về số lao động nghỉ việc và doanh thu của doanh nghiệp… Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện nhận hỗ trợ. “Như vậy có thể nhận thấy chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, bà Thủy nhận xét.

Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế

Rất nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc đang đón đợi doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn. Cùng với đó, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang ập đến rất có thể sẽ “nhấn chìm” những doanh nghiệp đang “thoi thóp”…

Là người trong cuộc, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thừa nhận luôn ở trong trạng thái phập phồng, không đoán định được tương lai dù đã nỗ lực tìm hướng đi trong tình hình khó khăn chung hiện nay. Giới phân tích dự báo với tình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế thì khả năng số doanh nghiệp rời thị trường sẽ tiếp tục tăng cao, nếu các chính sách hỗ trợ không kịp thời và nhanh chóng đi vào thực tế.

Trước thực tế này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế chính sách mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cụ thể là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. “Đây không chỉ là các gói hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn mà còn là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Bình nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A Vũ Thị An kiến nghị, các gói hỗ trợ doanh nghiệp phải được duy trì vì dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, thậm chí diễn biến ngày một phức tạp. “Chúng ta không cần hô khẩu hiệu, nghị quyết nữa mà cần thiết thực. Tôi nghĩ điều mong muốn nhất bây giờ là các doanh nghiệp cần được Chính phủ thương thật”, bà An nói.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất năm 2021, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và kết hợp cải cách thể chế kinh tế. Năm 2022 phải kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Phải đến năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung cải cách thể chế kinh tế.

Hỗ trợ phải thực chất

Theo khuyến nghị của TS. Phạm Thế Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Khảo sát của VCCI và WB ghi nhận đa số doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm gia hạn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.

Về dài hạn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự ổn định của chính sách thuế (không tăng thuế hoặc ra thêm những sắc thuế mới trong những năm tới) là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo PSG.TS Ngô Trí Long, thuế là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). “Do đó, cần phải có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn và ổn định để doanh nghiệp yên tâm làm ăn và phục hồi”, ông Long đề nghị.

Hàng chục năm gắn bó với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tin rằng, muốn “đại bàng” đến làm tổ, Việt Nam buộc phải chú trọng đến mối quan tâm của họ, trong đó có khía cạnh công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp. Điều này vô cùng quan trọng khi mà dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển cùng với sự sắp xếp lại chuỗi ứng toàn cầu kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung được kích hoạt và đại dịch Covid-19 xuất hiện - có thể giúp Việt Nam có cơ hội vươn lên thoát khỏi nhóm nước đang phát triển.

Tiểu Phong