Nền kinh tế ASEAN hậu Covid-19

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:44 - Chia sẻ
Các chiến lược để xây dựng lại nền kinh tế ASEAN trong một thế giới hậu Covid-19 chính là một phần quan trọng của Hội nghị Cấp cao lần thứ 38 và 39 vừa qua của ASEAN tại Vương quốc Brunei.

Tác động khó lường từ Covid-19

Dịch Covid-19 đã có những tác động tàn phá đối với các nền kinh tế ASEAN. Sự lây lan của biến thể Delta trong năm nay đã khiến cho số ca mắc và tử vong tăng mạnh, một phần nguyên nhân do sự chậm trễ trong việc tiếp cận vaccine. Khi tỷ lệ người được tiêm chủng tăng nhanh, các chính phủ trong khu vực đang dần chấp nhận thực tế rằng Covid-19 giờ đây là bệnh đặc hữu trong khu vực. Thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách lúc này là ASEAN đang bước vào trạng thái “bình thường mới” và cần học cách sống chung với virus.

Về mặt tích cực, bất chấp những biến động, phần lớn các quốc gia ASEAN nhìn chung đã cho thấy khả năng phục hồi và duy trì tầm quan trọng tương đối của mình trong thương mại toàn cầu. Dù vậy, các nền kinh tế ASEAN vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng khó khăn. Giá cả hàng hóa tăng cao hiện nay cộng với sự suy yếu trong thương mại dịch vụ sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm trong tương lai.

ASEAN sẽ phải nhìn xa hơn việc quản lý ảnh hưởng tức thời của Covid-19 để phát triển chiến lược phục hồi dài hạn. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao vừa qua đã tập trung vào những thay đổi then chốt trong nền kinh tế toàn cầu mà dịch bệnh đã mang lại hoặc thúc đẩy.

Duy trì kết nối thương mại

Dịch bệnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự kết nối thương mại toàn cầu. Việc áp đặt đột ngột các biện pháp phong tỏa đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Hệ quả là người dùng cuối như các nhà bán lẻ có nguy cơ phải rời khỏi hoạt động sản xuất.

Ở góc độ kết nối chuỗi cung ứng, ASEAN đã và đang có những bước tiến đáng kể, đặc biệt thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, nhằm tăng cường sự hợp tác kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng của ASEAN để đối phó với dịch bệnh. Ngoài danh mục các sản phẩm liên quan đến y tế hiện có, danh sách này gần đây đã được mở rộng bao gồm hơn 100 sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ giảm bớt rào cản đối với dòng chảy của các sản phẩm liên quan đến y tế và nông sản trong khu vực.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng làm gia tăng tâm lý theo xu hướng bảo hộ trong khu vực. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nỗ lực giảm bớt những biện pháp phi thuế quan đối với các hàng hóa thiết yếu với việc thông qua Bộ công cụ ASEAN về tiết kiệm chi phí các biện pháp phi thuế quan (Non-Tariff Measures Cost-Effectiveness Toolkit Handbook for ASEAN), nhằm thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ quản lý tốt, đơn giản hóa các yêu cầu và thủ tục nhập khẩu để cuối cùng thúc đẩy xuất khẩu trong khu vực.

Bên cạnh việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa, ASEAN cũng đặc biệt chú ý đến các dòng chảy dịch vụ và đầu tư. Hội nghị thượng đỉnh thông qua Khuôn khổ thúc đẩy đầu tư ASEAN đã được nhất trí hồi đầu năm nay. Bước tiếp theo sẽ là triển khai và vận hành khuôn khổ này.

Thách thức của ASEAN là giảm thiểu chủ nghĩa bảo hộ đang tiếp diễn ở mức cao trong các ngành dịch vụ. Việc Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN có hiệu lực vào tháng 4 năm nay sẽ tạo ra một môi trường minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn cho thương mại dịch vụ trong khu vực, cung cấp cho các doanh nghiệp quyền tiếp cận dịch vụ ưu đãi rộng rãi nhất đối với các thị trường ASEAN, và tạo tiền đề cho sự hội nhập dịch vụ hơn nữa trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao Kế hoạch Hành động Chiến lược ASEAN về Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) 2016 - 2025 (SAP SMED 2025), giai đoạn hai của quá trình triển khai SAP SMED 2025 tập trung vào các yếu tố chính để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như những tiến bộ đạt được trên mặt trận này, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện cho các MSME tái sinh tốt hơn giai đoạn hậu đại dịch.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh việc ra mắt ASEAN Access, với vai trò là cổng thông tin kinh doanh một cửa cho các doanh nghiệp ASEAN trong định hướng quốc tế. Nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào một thị trường mới, cổng thông tin này được thiết kế để kết nối các doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực phân phối, vận tải và hậu cần, nghiên cứu thị trường và tư vấn về sở hữu trí tuệ, luật pháp…

Việc xây dựng cổng thông tin này nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động Chiến lược ASEAN về Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu tạo ra các MSME có sức cạnh tranh toàn cầu.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu. Việc thiết lập các thói quen “làm việc tại nhà” đã nhấn mạnh tính kết nối số. Ngày càng có nhiều người nhận thức được sự cần thiết phải có một chiến lược chuyển đổi số mang tính gắn kết và toàn diện khu vực. Với dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ, khu vực Đông Nam Á nắm giữ tiềm năng rất lớn đối với chuyển đổi số.

Nằm bắt được xu hướng đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao đã thông qua Tuyên bố về Thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN khẳng định cam kết của khối đối với việc tăng cường hội nhập và chuyển đổi số trong khu vực. Tuyên bố gồm 6 dòng hành động chính, gồm: đảm bảo ASEAN có cách tiếp cận chung đối với chuyển đổi số qua việc nâng cao hợp tác giữa tất cả các trụ cột trong Cộng đồng về lĩnh vực này; củng cố hợp tác và nâng cao khả năng trong lĩnh vực an ninh mạng nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn, tự cường, dựa trên luật lệ phục vụ cho chuyển đổi số; nâng cao nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số chất lượng, dễ dàng tiếp cận, và phù hợp với khả năng chi trả trong ASEAN; tăng cường hội nhập và chuyển đổi số trong khu vực thông qua xây dựng Hiệp định Khung về Kinh tế Số ASEAN trước năm 2025; đảm bảo xã hội ASEAN sẵn sàng cho công nghệ số và tương lai bằng cách cung cấp các kỹ năng và kiến thức phù hợp để ASEAN tự tin tham gia vào quá trình chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực tư nhân và hiệp hội thương mại nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong Cộng đồng ASEAN.

Để đạt được mục tiêu này, ASEAN sẽ bắt tay vào nghiên cứu Hiệp định khung về kinh tế số đến năm 2023 và bắt đầu đàm phán vào năm 2025.

Cũng tại Hội nghị với đối tác, Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN – Hoa Kỳ về Phát triển số đã được thông qua. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển số giữa ASEAN và Hoa Kỳ nhằm bảo đảm nền kinh tế tự cường trước các cú sốc kinh tế, bao gồm từ các thách thức như đại dịch Covid-19; nhấn mạnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng số và giảm thiểu khoảng cách số giữa các nước ASEAN, trong đó nhằm ứng phó với các thách thức chung như thảm họa thiên tai, cứu trợ nhân đạo; phát triển hạ tầng số mở, tương thích cao, và an toàn nhằm tạo thuận lợi phát triển kinh tế số; tìm kiếm khả năng hợp tác thông qua một khuôn khổ kinh tế số ASEAN-Hoa Kỳ; tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, thương mại số, trí tuệ nhân tạo, 5G, kết nối số, an ninh mạng, quản lý dữ liệu, dịch vụ tài chính số; thúc đẩy giải pháp chứng nhận y tế và tiêm chủng số nhằm thuận lợi di chuyển trong khu vực; tăng cường hợp tác chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu các-bon; hỗ trợ phát triển số bao trùm, bao gồm cho phụ nữ, doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chương trình tăng cường năng lực và phổ biến dịch vụ tài chính số; tăng cường phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực số.

Phát triển kinh tế bền vững

Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu. Chính vì vậy Khuôn khổ nền kinh tế tuần hoàn về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được đưa vào chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN trong năm 2021, trong đó đưa ra cam kết của khối đối với phát triển bền vững.

Việc xây dựng Khuôn khổ này có sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). ASEAN thừa nhận rằng nền kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 về một “nền kinh tế sôi động, bền vững và hội nhập cao”. Cách tiếp cận ‘tái sử dụng - giảm thiểu - tái chế’ thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, qua đó đóng góp vào cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Viện ERIA cho biết, để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, cần có một khoản đầu tư tư nhân lớn và các công nghệ mới sẽ có khả năng được thành lập để thay đổi hệ thống xã hội. Do đó, cần có phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia trong khu vực. ERIA đề xuất rằng các sáng kiến trong khuôn khổ có thể bao gồm các chuỗi giá trị tuần hoàn khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ carbon thấp chuyên biệt. Viện này cũng khuyến nghị rằng trong khi theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn của khu vực, cần tính đến các tác động kinh tế, ngành nghề và xã hội rộng lớn hơn của những nỗ lực đó. Một đề xuất khác của Viện này là hợp tác toàn ASEAN trong việc chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực.

Để thực hiện nhiệm vụ nhiều mặt này, điều quan trọng là ASEAN phải thực hiện các biện pháp thiết thực và hữu hình với các mốc thời gian rõ ràng cũng như cần phải xác định sự đánh đổi và ý nghĩa tài trợ tổng thể.

Định vị sự phát triển tương lai

Các nhà lãnh đạo ASEAN, với việc tập trung vào 3 xu hướng trên, đã nhắm mục tiêu một cách đúng đắn để tăng cường khả năng phục hồi của khu vực và định vị cho sự phát triển trong tương lai. Theo đó, ASEAN hướng tới thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để toàn bộ khu vực được coi là cơ sở sản xuất và điểm đến đầu tư duy nhất.

Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn còn, đặc biệt là nguy cơ “một ASEAN hai tốc độ”. Kể cả khi tất cả các nền kinh tế ASEAN đều tăng trưởng, khoảng cách giữa các nền kinh tế tiên tiến hơn như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Brunei, và những nền kinh tế thành viên kém phát triển hơn như Campuchia, Lào và Myanmar, vẫn có nguy cơ bị nới rộng. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này là một trong những thách thức dài hạn mà ASEAN hậu dịch bệnh sẽ phải đối mặt.

Đạt Quốc
Theo The StraitsTimes