Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ

Nên hướng tới doanh nghiệp có khả năng vượt khó

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:29 - Chia sẻ
Dù đã linh hoạt chuyển đổi sản xuất để duy trì việc làm cho 12 nghìn lao động nhưng hiện Tổng Công ty May 10 khó khăn hơn cả giai đoạn trước vì thiếu đơn hàng trầm trọng. Tổng Giám đốc THÂN ĐỨC VIỆT cho biết, May 10 sẽ khó trụ vững trong quý IV tới nếu thiếu chính sách hỗ trợ thiết thực. Ông Việt đề xuất, chính sách cần hướng đến doanh nghiệp có khả năng vượt qua khó khăn để tiếp tục tạo việc làm, thay vì chỉ hỗ trợ cho người lao động ở những doanh nghiệp sắp hoặc đã phá sản.

Không có lao động nghỉ việc là thành công lớn nhất

- Tới giờ, không ai trong số 12 nghìn lao động của May 10 phải nghỉ việc do dịch Covid-19. Bài toán nan giải này, May 10 đã giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Không lao động nào phải nghỉ việc là thành công lớn nhất của chúng tôi tính đến thời điểm này.

Để có được kết quả đó, trước hết, chúng tôi đã làm tốt công tác chống dịch. Bởi với số lượng 12.000 công nhân đang làm việc trong 18 nhà máy, chỉ cần một ca bị nhiễm Covid-19 thì lập tức nhà máy đó phải đóng cửa ít nhất trong 14 ngày. Ngay từ đầu, May 10 đã thành lập Ban phòng chống dịch Covid-19 do đích thân Tổng Giám đốc làm Trưởng ban và các tổ phản ứng nhanh để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại từng đơn vị trực thuộc. Các biện pháp phòng chống dịch như chế tạo buồng khử khuẩn đặt tại cổng nhà máy, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách hợp lý tại nhà ăn… được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đặc biệt, công tác truyền thông được đẩy mạnh để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp người lao động tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và những người xung quanh.

Mặt khác, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã nhanh chóng quyết định làm khẩu trang vải trên hệ thống dây chuyền sản xuất veston. Đây là quyết định rất táo bạo bởi đầu tư một dây chuyền này lên tới 10 triệu USD, nếu sản xuất khẩu trang chỉ sử dụng 5% năng lực của máy móc thiết bị. Xét về hiệu quả kinh tế thông thường thì không thấm vào đâu nhưng chúng tôi buộc phải làm để giữ chân người lao động, nếu để họ nghỉ việc, sau này rất khó quay trở lại. Đồng thời, Tổng Công ty cũng đầu tư dây chuyền, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhờ đó, trong tháng 5 và 6, quy mô sản xuất khẩu trang của công ty rất lớn, công nhân không phải nghỉ làm ngày nào và thu nhập chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.

- Trên thực tế, không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng có sự dịch chuyển linh hoạt và nhanh nhạy như thế. Bài học kinh nghiệm của May 10 là gì?

- Chúng tôi luôn xác định tinh thần “Tất cả vì người lao động”, bởi nếu người lao động không được bảo đảm an toàn sức khỏe thì sản xuất sẽ không còn ý nghĩa. Song, quan trọng nhất, đó là kết quả của sự quyết tâm, chung sức đồng lòng, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty.

Nên miễn hoặc hoãn đóng bảo hiểm xã hội

- Tình hình hiện tại của May 10 như thế nào?

- Chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều so với thời gian qua khi chưa nhận được đơn hàng của tháng 10 và 11 tới. Điều này đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng ăn đong từng tháng, thậm chí từng tuần.

Chính sách hỗ trợ cần hướng tới doanh nghiệp có khả năng vượt qua khó khăn  

Ảnh: Đan Thanh 

Khi đơn hàng thiếu, áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp càng lớn. Thông thường, nếu không có việc làm, chỉ sau từ 1 - 3 tháng, dòng tiền để trả lương cho toàn bộ người lao động sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, mỗi tháng trung bình Tổng Công ty và các công ty con phải chi trả 70 tỷ đồng tiền lương, thưởng, bảo hiểm. Mặc dù nửa đầu năm nay chúng tôi đã rất nỗ lực song nguồn thu của mặt hàng truyền thống vẫn giảm bình quân 30 - 35%. Nếu khó khăn vẫn tiếp diễn, nhu cầu khẩu trang trên toàn cầu cũng đã bão hòa, chúng tôi rất khó trụ vững trước nhiều khó khăn phải đối mặt trong quý IV năm nay.

- Công ty sẽ tháo gỡ khó khăn này bằng cách nào?

- Với mong muốn duy trì việc làm cho người lao động, chúng tôi quyết định trong ngắn hạn là sẽ nhận làm bất cứ sản phẩm gì mà thiết bị, dây chuyền may có thể đưa vào sản xuất. Đồng thời, sẽ tập trung cao độ vào tổ chức sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa, rà soát lại toàn bộ các định mức kinh tế kỹ thuật, các vị trí công việc, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết. Tất cả phải hướng đến mục tiêu cùng “thắt lưng buộc bụng” duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tích cực tìm kiếm các thị trường mới. Mọi sản phẩm mới được đưa về sẽ sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất, linh hoạt chuyển đổi sản xuất phù hợp với diễn tiến mới của tình hình.

- Về phía Chính phủ, ông mong muốn gì từ chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng?

- Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để duy trì sự tồn tại. Theo đó, Chính phủ cần linh hoạt hơn trong chính sách hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp. Các chính sách cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng vượt qua được khó khăn, có thể phục hồi nhanh sau đại dịch, tiếp sức cho doanh nghiệp để tiếp tục tạo việc làm cho người lao động chứ không chỉ hỗ trợ cho người lao động mất việc ở các doanh nghiệp sắp phá sản hoặc đã phá sản như gói 62 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng nên lấy ý kiến của doanh nghiệp để đưa ra gói hỗ trợ hiệu quả nhất.

Do đại dịch còn kéo dài, Chính phủ nên cho doanh nghiệp hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội. Hiện tiền bảo hiểm phải đóng chiếm tới 15 - 17% quỹ lương cho người lao động. Khi được miễn hoặc giãn đóng khoản tiền này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tiền vô cùng quý giá cứu doanh nghiệp trong lúc khó khăn quá lớn này.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện