Nên giữ nguyên mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:12 - Chia sẻ
Trong bối cảnh khó có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, vẫn nên giữ nguyên mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Theo ông, mục tiêu đặt ra không phải để có con số đẹp, mà cần đạt được một ngưỡng nhất định về số lượng để tạo nên sản xuất hàng hóa lớn, từ đó giải quyết lao động việc làm cho xã hội.

"Mục tiêu đặt ra không phải để cho đẹp"

- Nhiều khả năng Việt Nam không đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp khi năm 2020 kết thúc như Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017 đặt ra. Cùng với đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong bối cảnh này, định hướng giai đoạn 2021 - 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp có cần được xem xét lại không, thưa ông?

		TS.TÔ HOÀI NAM
TS.TÔ HOÀI NAM

- Trước tiên cần phải làm rõ rằng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp không phải để có con số đẹp về mặt hình thức mà nhấn mạnh đến tính chất tổ chức. Hiểu đúng phải là cần 1,5 triệu tổ chức kinh doanh có đầy đủ tính chất của một doanh nghiệp để tạo nên một khu vực doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ hơn, còn mô hình hộ kinh doanh, kinh doanh cá thể, hợp tác xã không phải là loại kinh doanh hoàn chỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp xuất phát từ 2 cơ sở. Một là, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, từ đó sẽ tạo điều kiện cho nhiều lĩnh vực, mô hình kinh doanh phát triển hơn. Hai là, dựa trên tiềm năng có gần 5 triệu hộ kinh doanh trong một môi trường kinh doanh luôn được cải cách.

Dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ nên việc đạt được mốc 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 rất khó và dự đoán điều gì cho những năm tới cũng là quá sớm. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch ở nước ta tương đối tốt, nhờ đó Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương.

Tăng trưởng ở đây cũng không thể hiểu theo ý nghĩa số học thông thường, mà khẳng định sự tổn thương của khu vực doanh nghiệp không lớn, nền kinh tế ít bị tổn thương. Trong điều kiện nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, cùng với các hiệp định thương mại tự do đã ký sẽ tạo thuận lợi để nước ta phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp mới được ra đời. Chính vì vậy không nên nhìn một cách cục bộ, mang tình hình Covid-19 của năm 2020 để áp đặt vào những năm tiếp theo, mà vẫn nên giữ nguyên mục tiêu đặt ra.

- Có ý kiến cho rằng nên tập trung vào chất lượng, phát triển năng lực của doanh nghiệp thay vì chạy theo số lượng như hiện nay, ý kiến của ông như thế nào?

- Tôi chỉ đồng ý một phần! Việc đặt mục tiêu là cần thiết bởi những ý nghĩa như tôi đã phân tích ở trên. Ai cũng biết, nếu có được chất lượng thì rất tốt, nhưng nếu chỉ chạy theo chất lượng mà không đạt được một ngưỡng nhất định về số lượng thì không tạo nên sự chuyển biến lớn, sản xuất hàng hóa lớn để giải quyết lao động việc làm. Hàng năm, Việt Nam có thêm gần 1 triệu người lao động cần việc làm. Nếu chúng ta chỉ tập trung cho chất lượng mà không đặt mục tiêu về số lượng thì sẽ không đủ việc làm, từ đó tạo ra sự mất cân đối.

Vì vậy, vẫn phải phát triển doanh nghiệp về số lượng, đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng để tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Đây là mục tiêu mà ta phải tiến đến.

		Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phân bổ nguồn lực công bằng hơn

- Nghị quyết số 10-NQ/TW cũng đặt mục tiêu đề ra năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

- Số lượng và chất lượng doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân tăng lên sẽ là điều kiện để tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP tăng. Vì vậy, cần phải tăng về số lượng và chất lượng như mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Nhìn lại cả quá trình có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 là dưới 48%. Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào con số tuyệt đối để so sánh với khu vực kinh tế khác sẽ không chính xác. Sự đóng góp ở đây phải nhìn một cách tổng thể, bao gồm cả giải quyết lao động việc làm, tác động khác về mặt xã hội, chứ không chỉ nhằm vào con số tuyệt đối về mặt tài chính.

Thực tế, tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân là rất lớn, nhưng chúng ta chưa khai thác hết các thế mạnh của nó.

- Làm thế nào để khai thác tối đa thế mạnh của khu vực kinh tế tư nhân?

- Điều quan trọng nhất là phải tính toán và phân bổ nguồn lực công bằng hơn giữa khu vực Nhà nước với khu vực tư nhân. Nếu giải quyết được bài toán về phân bổ nguồn lực, tôi nghĩ rằng mục tiêu về tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Thực tế, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong phân bổ nguồn lực. Nhưng nói một cách sòng phẳng thì vẫn còn quá nhiều tài nguyên của đất nước mà đáng lẽ giao cho khu vực tư nhân làm sẽ phát triển hơn, tăng trưởng nhiều hơn và khai thác được tốt hơn. Nhiều con số cho thấy, nguồn lực của đất nước, đặc biệt là các tài nguyên, đất đai chưa được phân bổ hài hòa. Việc tiếp cận nguồn tín dụng mới cũng có sự phân biệt giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Anh thực hiện