Bỏ giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi

Nên giao bộ nào quản lý?

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:35 - Chia sẻ
Việc tích hợp các giấy phép chuyên ngành vào giấy phép môi trường trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ bãi bỏ một số giấy phép trùng lặp đối tượng tác động, trong đó có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề gây tranh luận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sẽ không cơ quan nào kiểm tra quá trình cấp phép?

Với quan điểm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định về giấy phép môi trường để lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải công nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, quy định này khiến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Lương Văn Anh băn khoăn. Bởi lẽ, Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 1.7.2018 quy định ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi để đáp ứng chuyển đổi cơ giới, chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ; cung cấp dịch vụ thủy lợi theo hợp đồng dân sự. Điều 58, Luật Thủy lợi quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng nước xả thải vào công trình thủy lợi. Đồng thời, theo quy định của luật hiện hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở xem xét cấp phép xả thải nước vào hệ thống thủy lợi, cũng như tiến hành kiểm tra quá trình này.

Ông Lương Văn Anh chỉ rõ, nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thì sẽ không có cơ quan nào kiểm tra quá trình cấp phép xả thải nước vào hệ thống thủy lợi, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường. Quy định như vậy cũng gây ra tình trạng ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về công trình thủy lợi nhưng lại không được kiểm tra chất lượng nước xả thải vào công trình. Chỉ ra những bất cập này, ông Lương Văn Anh lo ngại, sẽ phát sinh một số khó khăn trong quá trình áp dụng thực tế, nhất là việc một công trình thủy lợi có hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, không phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.  

Một vướng mắc khác khi chuyển quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi sang Bộ Tài nguyên và Môi trường là Điều 32, Luật Thủy lợi quy định, việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, chất lượng nước ở công trình thủy lợi nếu không được bảo đảm sẽ do ngành nông nghiệp bồi thường thiệt hại. Thực tế, các công trình Bắc Hưng Hải, hồ Dầu Tiếng và một số công trình trọng điểm khác, nếu chất lượng nước không bảo đảm, ngành nông nghiệp sẽ phải bơm nước vào để pha loãng, bảo đảm đầu ra. Khi đó, nếu áp dụng theo quy định của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), việc căn chỉnh về chất lượng, số lượng nước xả thải với trách nhiệm bồi thường sẽ thấy rõ sự không logic, ông Lương Văn Anh nhấn mạnh.

Việc tích hợp các giấy phép xả thải chuyên ngành được quy định tại Luật Thủy lợi và dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Chính phủ nhất trí và trình Quốc hội theo phương án này. Nhưng, ông Lương Văn Anh lưu ý, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng theo mô hình luật gốc, luật khung, trong khi quy định về cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi lại thuộc về luật chuyên ngành. Từ những lý do nêu trên, Bộ NN - PTNT đề nghị giữ nguyên quy định ngành nông nghiệp phụ trách về số lượng, chất lượng nước xả thải vào công trình thủy lợi (tức là bỏ Khoản 2, Điều 84, dự thảo Luật).  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo  

Tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Giải trình về vấn đề trên, tại Hội thảo Hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ NN - PTNT đang quản lý 80% lượng nước được nền kinh tế sử dụng. Hay nói cách khác, "chủ hộ" sử dụng nước chính là ngành nông nghiệp. Do vậy, nếu chuyển sang ngành tài nguyên và môi trường quản lý số lượng, chất lượng nước xả thải vào hệ thống thủy lợi sẽ tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ngoài ra, nếu giữ như quy định hiện hành sẽ nảy sinh bất cập khi bộ được giao quản lý lĩnh vực này không có đầy đủ thẩm quyền (Bộ NN - PTNT không tiến hành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, thanh tra quá trình thực hiện).

Cũng đưa ra ví dụ thực tế của hệ thống thủy lợi nước ta, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do được đưa vào khai thác trong thời gian dài nên hiện nay có tình trạng chuyển thành cống nước thải, không phải một kênh thủy lợi như mô hình ban đầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường không phản đối việc Bộ NN - PTNT tiếp tục quản lý số lượng và chất lượng nước xả thải vào các công trình thủy lợi, nhưng cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhìn từ thực tế của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, một số chuyên gia cũng chỉ rõ, tuy trách nhiệm quản lý được giao cho chính quyền các địa phương (được phân tách), nhưng nước xả thải qua một số đoạn trên hệ thống thủy lợi này đang gây ô nhiễm toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng (ô nhiễm chung). Việc mỗi địa phương tự quản lý nước xả thải vào công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý khiến không thể xác định được trách nhiệm của tình trạng ô nhiễm nước sông ở khu vực này. Nói cách khác, trách nhiệm quản lý giao cho nhiều cơ quan thực hiện nên khó tìm được đầu mối trách nhiệm gây ra tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy… từng được một số đại biểu Quốc hội phản ánh trên nghị trường.  

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn được nghe giải pháp khắc phục, qua đó kiểm soát hiệu quả chất lượng nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và hàng loạt công trình thủy lợi khác. Nếu Bộ NN - PTNT có thể thực hiện được việc quản lý số lượng, chất lượng nước xả thải vào hệ thống thủy lợi (ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép, thanh tra, kiểm tra, chịu trách nhiệm trước Chính phủ) thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ giữ vai trò kiểm tra quá trình thực hiện cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi như hiện nay.

Việc chuyển vai trò quản lý từ bộ này sang bộ khác sẽ không dễ, nhất là với một chức năng vốn đã được giao thực hiện trong thời gian dài, có liên quan sát sườn đến lĩnh vực quản lý của các bộ. Do vậy, để thực hiện việc cấp giấy phép môi trường, thay vì cấp đến 7 giấy phép chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần sự nỗ lực cao của cơ quan chức năng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cũng như triển khai thực hiện sau này.

Thanh Hải