Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 03:04 - Chia sẻ
Ngày 22.4 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp cùng với MVV Group và các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Hội thảo Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Tận dụng đòn bẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam Vũ Bá Phú cho biết, đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù dài hạn và duy nhất của Chính phủ giao Bộ Công thương làm cơ quan thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao gia tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực quốc gia.

Sau 18 năm triển khai chương trình THGQ đã đạt kết quả tích cực và góp phần cải thiện tích cực vị thế thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thương hiệu thế giới. Nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ cho công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính để tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thứ hạng cao của THQG Việt Nam đã liên tục được tăng cao và nằm trong nhóm TOP các THQG mạnh trên thế giới.

Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD. Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, từ thứ hạng 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).

Tổ chức Brand Finance cũng cho biết, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo, Chủ tịch MVV Group Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia mà hãy nhìn vào những giá trị doanh nghiệp có thể tận dụng được từ đây. Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ bao gồm các phương thức thực hiện, chỉ số đo lường để doanh nghiệp Việt Nam biết cách vận hành và thay đổi, giúp doanh nghiệp soi chiếu xem mình đang ở đâu, cần phải làm gì, đánh giá hiệu quả các hoạt động đang triển khai và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp”. Ông Sơn cũng chia sẻ cách thức quảng bá vị thế Thương hiệu quốc gia qua 6 cột trụ truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp, gồm có: vị thế dẫn dắt, tầm nhìn doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), truyền thông nội bộ và quan hệ báo chí.

Hội thảo là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 diễn ra từ 19 - 25.4.2021.

M.Hương