Nâng tầm kỹ năng lao động thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay

- Thứ Hai, 04/10/2021, 19:13 - Chia sẻ
Ngày 4.10, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức sự kiện ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và Hội thảo quốc tế Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện kỷ niệm tròn 1 năm Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định ngày 4.10 trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và được tổ chức thống nhất trong toàn quốc.

Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam (ILO) cùng đông đảo các đại diện của nhiều tổ chức trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực lao động - việc làm…

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động năm nay hướng theo thông điệp “Đồng hành nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề”. Đặc biệt là đặt trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng to lớn bởi đại dịch Covid-19 mà trực tiếp là thị trường lao động và việc làm của người lao động. Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, chuỗi cung ứng lao động và hoạt động đào tạo do dịch bệnh gây ra đã tạo nhiều thách thức đối với người lao động ở trong cả giai đoạn ứng phó lẫn phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới thế giới việc làm và tạo ra các “khoảng trống” về kỹ năng. Điều đó đòi hỏi người lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm bù đắp sự thiếu hụt về kỹ năng giúp người lao động ổn định, duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ, hơn bao giờ hết, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt khi chúng ta được đón nhận thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”. Trong một bối cảnh thị trường có nhiều biến động do dịch bệnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời đã cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) triển khai các chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một năm qua đã công bố bổ sung 19 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (nâng tổng số lên 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn) và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 11.000 người lao động (nâng tổng số lên 73 nghìn người lao động được đánh giá). Tính đến quý II.2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,1%, cao hơn 0,1% so với quý trước và cao hơn 0,8% so với cùng kỳ năm trước...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao bằng khen cho 2 thí sinh đạt Huy chương vàng cuộc thi trực tuyến nghề cơ điện tử năm 2021.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao bằng khen cho 2 thí sinh đạt Huy chương Vàng cuộc thi trực tuyến nghề cơ điện tử năm 2021.

Chia sẻ với ngành lao động, đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Nguyễn Hồng Hà đánh giá, phát triển kỹ năng cho người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện vừa qua cũng cho thấy đến hết quý II.2021, Việt Nam có 51,1 triệu người lao động, song tỷ lệ qua đào đạo rất thấp, con số này cho thấy nhu cầu đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động rất lớn, nhất là đại dịch Covid-19 cũng đang thách thức việc tiếp cận việc làm của người lao động khi thị trường lao động Việt Nam đang bị thu hẹp.

Theo chuyên gia đến từ ILO, triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm, do vậy việc nâng cao kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết. Thêm vào đó, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương, nhằm phát triển kỹ năng học tập một lần là đủ sang học tập suốt đời, nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đặt người học làm trung tâm, đáp ứng được nhu cầu của người học. Phát triển kỹ năng bao trùm cho người lao động cần đặc biệt quan tâm tới người yếu thế" - bà Hà nhấn mạnh.

Còn theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, chưa bao giờ người lao động được người chủ sử dụng lao động quan tâm như hiện nay, bởi đây là tài sản quý báu cần được nâng niu để phát triển đất nước. Theo đó, kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong tình hình mới, bên cạnh ưu điểm, lao động nước ta có những hạn chế, yếu về chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp.

"Trước dịch Covid-19, làn sóng chuyển dịch đầu tư, Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đã đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cũng như việc tận dụng cơ hội mới" - ông Phòng nói. 

Trong bối cảnh này, ông Phòng cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nước nhà; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động phát triển.

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, Việt Nam sẽ xem xét, nghiên cứu để rút ra bài học từ kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch. Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục bổ sung văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động, Luật Việc làm. Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Tùng Dương