Thực hiện Chương trình OCOP ở Hà Nội

Nâng tầm giá trị nông sản địa phương

- Thứ Hai, 10/05/2021, 07:30 - Chia sẻ
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc đẩy mạnh phát triển chương trình đã tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường đón nhận. Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song Ba Vì lại có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Mặt khác, hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng với hàng trăm loài cây dược liệu quý thuận lợi để phát triển nghề làm thuốc nam, trồng chè và dong riềng… Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm OCOP địa phương.

	Các sản phẩm OCOP của Ba Vì tham gia đánh giá chấm điểm OCOP năm 2020
Các sản phẩm OCOP của Ba Vì tham gia đánh giá chấm điểm OCOP năm 2020
Ảnh: Khánh Duy

Công ty CP Bánh sữa Ba Vì là đơn vị được đánh giá cao trong số các chủ thể tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Giám đốc Công ty Đào Công Trường cho biết: Năm vừa qua, Công ty đã đầu tư hệ thống quản lý giám sát về chất lượng, xây dựng thêm nhà xưởng, một số hệ thống phòng cháy chữa cháy và máy móc phục vụ cho sản xuất với chi phí gần 4 tỷ đồng. Nhờ máy móc, trang thiết bị hiện đại, trung bình mỗi ngày Công ty sản xuất được hơn 40 nghìn thành phẩm, có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn theo nhu cầu của thị trường. Công ty mong muốn, huyện Ba Vì và TP. Hà Nội tiếp tục có những chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phấn đấu đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

Mật ong Vinh Hoa cũng là một trong số những sản phẩm được xếp hạng OCOP năm 2019 đang dần được nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bà Chu Thị Vinh, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Mỗi năm, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 60 - 70 tấn mật. Ngoài cung cấp cho thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận, sản phẩm mật ong Vinh Hoa còn được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong thu mua. Với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi ong và làm giàu từ ong mật, cơ sở của chị còn rất nhiều các sản phẩm từ ong như: Sữa ong chúa, sáp ong, phấn hoa… Nhờ nuôi ong theo từng mùa hoa hàng năm nên sản phẩm mật ong thiên nhiên Vinh Hoa luôn đạt chất lượng tốt, được nhiều người tin dùng.

Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có 47 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP. Trong đó, 5 sản phẩm đạt 5 sao, 32 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Tất cả sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh; được sản xuất, chế biến bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng được kiểm định và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyện Ba Vì đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm đặc trưng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm…

Đặc biệt, quá trình triển khai chương trình OCOP đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phải kể đến các sản phẩm gồm: Chè Ba Vì, gà đồi Ba Vì, đà điểu Ba Vì, lợn ốc quế… Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh với các hộ dân, qua đó tạo ra nguồn cung ứng thực phẩm với giá cả, chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đến nay, đã có 33 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia với 206 sản phẩm được gắn tem QRcode về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Tăng cường liên kết, quảng bá

Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng xây dựng NTM, cải thiện đời sống người dân. Năm 2021, huyện tiếp tục phát triển những sản phẩm thế mạnh như: Các sản phẩm được chế biến từ sữa; khoai lang Đồng Thái, miến dong Minh Hồng, rượu mơ Núi Tản và các sản phẩm từ đà điểu… Đây là các sản phẩm đã có thương hiệu và được thị trường đánh giá cao.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới những thị trường khó tính hơn, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như thay đổi bao bì sản phẩm. Thời gian tới, sẽ liên kết, phối hợp với các địa phương tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, phấn đấu đưa các sản phẩm OCOP của huyện vươn ra thị trường xuất khẩu.

Về định hướng phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP, huyện sẽ chú trọng lập Đề án Chương trình OCOP đến năm 2025. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên thị trường. Huyện kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù tại các xã khó khăn, địa bàn miền núi để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm OCOP.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân. Đồng thời, tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ hội tốt để đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Vì thế, TP. Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, doanh nghiệp có động lực “tăng sao” khi tham gia OCOP. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội vẫn tích cực tham mưu Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

 

Khánh Duy