Nâng sức cạnh tranh, tăng hiện diện của hàng Việt ở thị trường nội địa

- Thứ Tư, 14/04/2021, 00:09 - Chia sẻ

Qua hơn 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới nay, hàng Việt được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ rất cao. Điển hình như tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, Vinmart, BRG Retail… hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

Thực tế cho thấy, các ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản… đã đẩy mạnh đầu tư để tăng thị phần ngay tại nội địa. Đánh giá của nhiều người tiêu dùng cho thấy chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm trong nước ngày càng nâng cao, trong khi giá cả cũng phù hợp. Đặc biệt, trong quý I.2021, bất chấp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ, có sự đóng góp không nhỏ của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các nhà bán lẻ lớn đã chủ động dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh phức tạp để tăng lượng hàng dự trữ. Nhờ đó, hàng hóa lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.

Tuy đang chiếm tỷ lệ lớn trong các kênh phân phối, song theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam việc thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… cũng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh cho hàng Việt. Chính vì vậy, việc đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, giảm giá thành hàng hóa, tăng cường quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại; đa dạng sản phẩm cho từng phân khúc thị trường... là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần đặt lên hàng đầu.

Q.Khánh