90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930 - 20.10.2020)

Nâng niu những khoảnh khắc về Mẹ

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:05 - Chia sẻ
Là người lính bước ra từ chiến trường, như một cái duyên, ngay từ khi vào nghề, Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã chụp ảnh về người mẹ và dành cả cuộc đời khai thác đề tài vừa rộng, lại vừa sâu này. “Diện mạo, đặc biệt là sắc phục, tính nết của mỗi phụ nữ, ở mỗi vùng miền, giai đoạn có khác nhau, nhưng nỗi lòng, phẩm chất của người mẹ lại giống nhau” - Đại tá Trần Hồng chia sẻ nhân dịp tổ chức triển lãm ảnh “Mẹ”.

Từ tình cảm riêng

- Trong "gia tài" nghề nghiệp của ông có rất nhiều bức ảnh về Mẹ. Điều gì khiến ông gắn bó với đề tài này như vậy?

- Khi mới ra trường năm 1973, tôi đã bập vào đề tài Mẹ, xuất phát vì cũng có mẹ cao tuổi. Là một anh lính, về thăm mẹ ít bởi thời gian ngặt nghèo, mỗi lần về phép, tôi lại được mẹ chăm chút. Có lần được mẹ gội đầu cho, tôi nhìn thấy ánh mắt mẹ lóe lên ánh sáng của niềm hạnh phúc. Tự nhiên tôi thấy niềm vui nhỏ nhoi như vậy mà bao nhiêu người không có được, vì con ra trận mãi không về. Từ đó, tôi dần hình thành tình cảm, không riêng với mẹ của mình, mà các mẹ khác, đặc biệt là mẹ các đồng đội của tôi.

Đại tá Trần Hồng nâng niu những bức ảnh Mẹ.
Ảnh: TH. Nguyên

Sau này, trong các chuyến công tác, tôi cố gắng làm tốt công việc được giao và dành thời gian đi chụp ảnh các mẹ. Khi đang chụp phim nhựa, tôi thường cắt phim gói vào các mảnh giấy để bảo quản trong tủ, đến nay có ít nhất 2.000 bản như thế, điều đó để nói rằng tôi rất đam mê, chắt chiu từng ảnh chụp về đề tài này.

Tháng 12.1995, tôi tổ chức triển lãm các bức ảnh Mẹ ở 45 Tràng Tiền, Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem say sưa, và cũng chính từ đó, Đại tướng cho phép tôi chụp ảnh ông. Tôi đam mê chụp chân dung và rất vui khi gặp được hai đề tài: Một đề tài rất rộng là Mẹ, một đề tài rất hẹp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Dù là một người mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với tình yêu từ trái tim của người lính. Trong triển lãm lần này, ông chọn lựa giới thiệu tới công chúng những tác phẩm nào trong gia tài của mình?

- Vừa rồi, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đặt vấn đề tổ chức triển lãm và tôi thấy quá tuyệt vời. Đây là cơ hội tôi tỏ lòng thành với các mẹ. Triển lãm có 90 chân dung, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Các bức ảnh trong triển lãm được chụp từ năm 1973 đến nay, trong đó nhiều tác phẩm chưa từng giới thiệu trước công chúng. Phần lớn là các Mẹ Việt Nam đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Còn các mẹ chưa được Nhà nước tuyên dương, nhưng với tôi, họ đều là anh hùng; 20 vạn thanh niên xung phong không có cơ hội làm vợ, không một lần làm mẹ, cũng quá xứng đáng là Anh hùng.

Trong số các bà mẹ của tôi, có thêm những phụ nữ sau hòa bình là giám đốc, bác sĩ, cô giáo, nhà lý luận phê bình văn học… tuy không nhiều, và không phải tiêu biểu, nhưng thể hiện được những tấm gương giỏi việc nước, đảm việc nhà; những con người có tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu, làm những điều có ích cho những người xung quanh, lan tỏa điều tốt đẹp cho xã hội. Như bà Huỳnh Tiểu Hương ở Sài Gòn, chưa một lần làm mẹ, đã tập trung hơn 300 em bé, trở thành một gia đình ấm cúng; hay nữ tướng đầu tiên của ngành quân y, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang - từng là Chủ nhiệm Khoa Mắt của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

90 bức ảnh về Mẹ được giới thiệu tới công chúng.
Ảnh: Th. Nguyên

Đến gia tài đồ sộ

- Chụp ảnh đề tài Mẹ trong một thời gian dài như vậy, thuận lợi và khó khăn khi theo đuổi đề tài này là gì, thưa ông?

- Trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có nhiều tác phẩm nói về Mẹ. Với nhiếp ảnh, ngoài việc tìm hiểu là phong cách của người làm báo, chúng tôi còn có thế mạnh trực tiếp nhìn vào đối tượng, tạo sự thân tình. Tôi rất may là có mẹ già cao tuổi, nên biết được sở thích của các mẹ, khi tiếp xúc, khó mấy sau vài phút, các mẹ có thể mở lòng nói chuyện.

Dễ thì thật dễ, nhưng chụp ảnh các mẹ cũng có cái khó, vì họ thường có sự đào sâu chôn chặt, kể cả niềm vui, kể cả sự đau thương. Khi được Nhà nước tôn vinh, họ cũng chỉ lóe lên một nụ cười, và đằng sau nụ cười đó là nỗi nhớ con khôn nguôi. Đó cũng là thách đố cho người chụp ảnh.

- Từng đi khắp các vùng miền, ghi lại hình ảnh các mẹ từ Lai Châu, Điện Biên, cho tới Tây Nguyên, Cà Mau... chắc hẳn ông đã gặp không ít câu chuyện xúc động?

- Tôi đến gặp mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Mẹ có bảy con trai đều là liệt sĩ. Hai lần đầu tôi đến, nhìn thấy tôi mặc quân phục giống các con mình, mẹ khóc, tôi khóc, không tài nào nâng máy ảnh lên được. Lần thứ ba tôi dừng lại thật lâu trước ngõ nhìn vào căn nhà đơn sơ. Nhẹ nhàng nâng máy chụp trước khi vào ôm chầm lấy Mẹ.

Hay khi nghe chị Hà Tân, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang, Hà Tĩnh, giới thiệu về Mẹ Phan Thị Chiu, 98 tuổi, có hai con là liệt sĩ, tôi cảm động, ngay lập tức lên đường đi thăm Mẹ dù trời mưa to như trút nước vì cơn bão số 5 đang về miền Trung (9.2020). Đến nhà thấy Mẹ ngồi như một pho tượng, tôi sà vào lòng Mẹ, hai cánh tay già nua, gầy guộc ôm tôi khóc nức nở. Mãi hồi lâu tôi mới lần tìm máy ảnh, nâng lên, hạ xuống mấy lần mới bấm máy ghi lại hình dáng Mẹ…

Tài sản lớn nhất của tôi là tấm ảnh về các bà mẹ. Tôi nâng niu trân trọng cả những bức ảnh chưa đạt, vì nhìn vào đó "sống lại" khoảnh khắc gặp các mẹ.

-Ông muốn gửi gắm tới người xem điều gì qua các tác phẩm của mình?

- Nói như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, “để mọi người trở về với lời ru, trở về với giọt sữa, để không quên cội nguồn”. Tôi không dám mơ đến thế, vì ảnh mình có hạn. Nhưng tôi nghĩ rằng, đứng trước các mẹ, mọi người sẽ thấy rằng trước khổ đau, cuộc sống thiếu thốn như thế, thì giờ chưa là gì. Mỗi người hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn và sống đẹp, làm hết trách nhiệm của công dân.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên