Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS

- Thứ Ba, 24/11/2020, 14:44 - Chia sẻ
Sáng 24.11, Ban quản lý dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống, HIV/AIDS, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến cộng đồng về chi phí gói dịch vụ cho hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS” nhằm thảo luận các cơ hội và thách thức, khả năng tham gia cung cấp các gói dịch vụ cho hợp đồng xã hội (HĐXH) của các tổ chức cộng đồng.
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, kết quả của công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua, chúng ta phải khẳng định vai trò hết sức quan trọng của tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng, những người nhiễm HIV, những người trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ chính là những người trực tiếp được hưởng những dịch vụ phòng chống HIV/AIDS nhưng họ cũng là một thành phần hết sức quan trọng tham gia vào trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Họ chính là “cánh tay nối dài” để đưa dịch vụ đến nhóm nguy cơ và chỉ có họ mới làm được điều này tốt nhất.

 

Hiện nay chúng ta chia thành 2 nhóm tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS, một là, các cán bộ y tế, cơ sở y tế. Hai là các tổ chức cộng đồng. Trong những năm qua, vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng ngày càng được khẳng định. Nếu những giai đoạn đầu khi phòng chống HIV/AIDS chỉ có rất ít thì bây giờ đã có rất nhiều các tổ chức từ cộng đồng cùng tham gia vào chống “dịch”.

Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế đang bị cắt giảm, chi từ nguồn lực quốc gia còn rất hạn chế, vậy phải làm như thế nào để duy trì “cánh tay nối dài” đấy. Đây chính là lý do để hợp đồng xã hội được triển khai ở Việt Nam. Hợp đồng xã hội là hợp đồng được Nhà nước ký kết với các tổ chức xã hội, để họ thực hiện các nhiệm vụ mà họ làm tốt nhất, những tổ chức họ hiểu cộng đồng, dễ dàng tiếp cận với cộng đồng.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo ThS Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chia sẻ về các hoạt động về hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện đến năm 2020 như: đã xây dựng được 6 gói dịch vụ của hợp đồng xã hội; vận động chính sách tạo thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội; nghiên cứu tổng quan cơ chế, chính sách thực hiện hợp đồng xã hội đối với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam; thống kê các TCXH đang cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS…

Các hoạt động đang và sẽ thực hiện trong năm 2020 như xây dựng đơn giá cho các dịch vụ trong hợp đồng xã hội; thí điểm mô hình hợp đồng xã hội tại Nghệ An; hỗ trợ Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 54 của Ban Bí thư về tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới; hỗ trợ Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội…

Trình bày về phương pháp tính giá dịch vụ trong đặt hàng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS từ ngân sách Nhà nước, TS Dương Thúy Anh cho biết, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện như chưa có căn cứ pháp lý và quy trình chuyên môn chi tiết, cụ thể; chưa có sự đồng thuận của các tổ chức cộng đồng; cơ chế tài chính (nguồn kinh phí) hạn chế…

 

TS Dương Thúy Anh kiến nghị cần có cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội; nhu cầu đặt hàng dịch vụ chi tiết cụ thể; đẩy nhanh hoàn thiện căn cứ pháp lý; tăng cường năng lực cho các nhóm cộng đồng; lựa chọn ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, gói dịch vụ dễ tiếp cận.

Cũng tại hội thảo nhiều báo cáo, tham luận đã được trình bày như: Báo cáo “Triển khai hợp đồng xã hội tại Nghệ An” của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng; “Kết quả thực hiện hợp đồng xã hội của G-link Nghệ An”; “Các mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho nhóm MSM ở Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Nghiện chất và HIV, Đại học Y Hà Nội.

Xuân Tùng