Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho phụ nữ

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 19:41 - Chia sẻ
Chiều ngày 27.11, tại Hà Nội, Tổ chức tài chính vi mô TNHH 1 thành viên Tình Thương (TYM), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng tài chính vi mô góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh và việc làm đối với phụ nữ”.

Tại hội thảo, đại diện TYM đã thông tin kết quả ban đầu của hoạt động hợp tác giữa TYM và Quỹ châu Á trong khuôn khổ sáng kiến Go Digital ASEAN do Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng của Google hỗ trợ.

Ở Việt Nam, sáng kiến Go Digital ASEAN kỳ vọng trang bị kỹ năng công nghệ số căn bản cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp vi mô do phụ nữ làm chủ để tăng khả năng tiếp cận thông tin số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, chủ động ứng phó với đại dịch Covid -19 dự kiến còn kéo dài. Dự án sẽ đào tạo khoảng 65.000 người và hỗ trợ các mục tiêu phát triển xã hội số của quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đại dịch Covid -19 đã để lại tác động nặng nề đối với các doanh nghiệp vi mô Việt Nam, nhất doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, một trong số đó là không đủ khả năng và kỹ năng sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến và chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để vượt qua khủng hoảng.

Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam Filip Graovac phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền, nhấn mạnh: “Việc thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng số cho khách hàng tài chính vi mô, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Thông qua hoạt động hợp tác với Quỹ châu Á, TYM có điều kiện trực tiếp nâng cao kiến thức và kỹ năng công nghệ số cho khách hàng và các thành viên trong gia đình của khách hàng, góp phần tạo thêm cơ hội kinh doanh và việc làm cho họ. Mặt khác, thông qua chương trình này, TYM hy vọng các chị em trực tiếp được thụ hưởng chương trình sẽ giúp thêm nhiều chị em, hộ gia đình khác có thêm kiến thức về công nghệ số. Từ đó hỗ trợ thêm được nhiều phụ nữ tự mình tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tạo việc làm. Tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ tìm kiếm được cơ hội kinh doanh và việc làm, đồng thời làm cho họ có kiến thức về công nghệ số, TYM đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy việc chuyển đổi số quốc gia.”

Các đại biểu tham gia thảo luận

Chia sẻ những tiện dụng của nền tảng công nghệ số, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam Filip Graovac chia sẻ, “Quỹ châu Á tin rằng các nền tảng kỹ thuật số có thể giúp xây dựng khả năng ứng phó với thiên tai và các thảm họa do con người gây ra thông qua việc hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hoặc vùng sâu vùng xa tiếp cận tài chính, nguồn cung ứng và thị trường bên ngoài cộng đồng của họ. Các dự án như Go Digital ASEAN nâng cao năng lực số và phát triển tiềm năng của các doanh nghiệp vi mô, phụ nữ và các nhóm dân số chưa được tiếp cận, phục vụ đầy đủ để họ không chỉ tồn tại mà còn phát triển”.

Là người được hưởng lợi từ dự án, Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, thành viên TYM cụm số 12, chi nhánh Thái Nguyên cho biết, từ việc tham gia các khoá học về Mạng Internet và ứung dụng di động cơ bản, bán hàng trực tuyến, chị đã kết nối với bạn hàng, tìm kiếm các thông tin về nguyên vật liệu; đặc biệt có thể kết nối từ xa, không phải đến trực tiếp nên rút ngắn được thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Từ kiến thức mình được học, chị mạnh dạn chia sẻ với chị em khác cách thức mở tài khoản, sử dụng tài khoản ngân hàng trong thanh toán, sử dụng tài khoản điện tử qua các ứng dụng Zalopay…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Các thảo luận cho thấy, việc cung cấp kiến thức, kỹ năng số cũng đóng góp một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tài chính trong thời gian tới.

Phạm Hải