Nâng cao năng lực tham gia không gian mạng cho giảng viên, sinh viên

- Thứ Tư, 12/01/2022, 18:37 - Chia sẻ
Chiều 12.1, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Trường Đại học Ngoại thương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Theo PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương, mạng internet đang giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội. Với đặc thù của lĩnh vực giáo dục đại học, viên chức, người lao động, người học của nhà trường phần lớn nằm trong nhóm đối tượng sử dụng internet nhiều phục vụ hoạt động học tập, làm việc và giải trí. Nắm bắt vấn đề này, nhà trường đã chủ động xây dựng kênh thông tin điện tử, mạng xã hội để thường xuyên cập nhật tin tức chính thức, cũng như phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thu hút sự chú ý, tương tác của viên chức, người lao động và người học. 

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, do yêu cầu của biện pháp giãn cách xã hội, việc học tập và làm việc chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Nhà trường đã thực hiện thống nhất nền tảng phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến. Cùng với đó, có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho giảng viên, người học để học tập và làm việc trực tuyến hiệu quả. 

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương cho biết trường đã quan tâm giáo dục về internet, an toàn thông tin, an ninh mạng cho sinh viên

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên internet, trường đã có những giải pháp nhằm kịp thời nắm bắt và định hướng thông tin, giúp viên chức, người lao động và người học luôn có được cái nhìn khách quan, đúng đắn về các vấn đề, thông tin trên mạng. Cùng với đó, trường phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn, an ninh mạng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động và người học để tham gia hoạt động trên không gian mạng một cách văn minh, an toàn và hiệu quả. 

Đại diện Nhà trường cũng cho rằng, hiện nay thiếu các quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục, các trường đang tự nghiên cứu, thực hiện. Nhằm bảo vệ bản quyền, bảo đảm an toàn thông tin, các phần mềm sử dụng phải có bản quyền, đòi hỏi Nhà trường đầu tư khá lớn. Chuyển đổi số giai đoạn tới muốn phát triển mạnh mẽ cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đầu tư quy mô để các trường được lợi hơn về chi phí bản quyền. 

Nhiều vấn đề về chuyển đổi số và việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên internet được đưa ra bàn thảo
Nhiều vấn đề về chuyển đổi số và việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên internet được đưa ra bàn thảo

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động dạy và học tập trực tuyến gia tăng, xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương ở tốp đầu trong tuyển sinh đầu vào, sinh viên có ngoại ngữ tốt, thích ứng nhanh với chuyển đổi số, cập nhật thông tin quốc tế nhanh nhạy. Tuy nhiên, các ý kiến cũng quan tâm làm sao để các em hội nhập, nhưng vẫn giữ được bản sắc, được bồi đắp các giá trị đạo đức, ứng xử văn hóa trên không gian mạng, biết chọn lọc thông tin... Các ý kiến cũng quan tâm tới chiến lược phát triển giáo dục số của nhà trường, giải pháp để đấu tranh với thông tin sai lệch trên mạng xã hội...

Phó Chủ nhiệm Đặng Xuân Phương mong rằng Trường Đại học Ngoại thương luôn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiếp tục khẳng định uy tín của Nhà trường. Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc cung cấp thông tin thực tế, là cơ sở để Đoàn tổng hợp, xây dựng báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trình Quốc hội với các đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật trong thời gian tới. 

Ng. Phương