Hạn chế đình công trong doanh nghiệp

Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:42 - Chia sẻ
Thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng. Tuy nhiên, tình hình thương lượng tập thể hiện nay tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ…

Đôi bên chưa mặn mà

Thỏa ước lao động tập thể được ví như một “Bộ luật lao động con” tại mỗi doanh nghiệp. Một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Rõ ràng, hiệu quả đem lại rất lớn tuy nhiên, đến nay việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm.

Bữa ăn giữa ca luôn được các cấp công đoàn quan tâm đưa vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể
Nguồn: ITN

Điều 74 Bộ luật Lao động quy định: Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; Có trên 50% số đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành...

Trong báo cáo về thực trạng thương lượng tập thể tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam hiện nay, ThS. Bùi Thị Thu Hà, Trường Đại học Thương mại đã chỉ ra một thực tế, nội dung thương lượng về tiền lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động chưa thật sự rõ ràng. Sự tham gia của người lao động khá thụ động và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào cán bộ công đoàn cơ sở. Người lao động không phải là nhân vật chính, không phải là người làm chủ quá trình thương lượng. Vì vậy, kết quả thương lượng tập thể hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người sử dụng lao động. Nội dung thỏa ước lao động tập thể còn chung chung, chưa có nhiều điều khoản mang lại lợi ích cho người lao động, chủ yếu sao chép từ Luật.

Đáng chú ý, việc định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung thỏa thuận thương lượng tập thể chưa được chú trọng. Trong các doanh nghiệp may chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành, hầu như người sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc công khai, phổ biến kết quả thương lượng tập thể. Thực tế, không riêng trong lĩnh vực may mà hiện nay ở các doanh nghiệp, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, ngay cả người lao động vẫn còn chưa thực sự mặn mà, quan tâm tới vấn đề này.

Đại diện một số công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở đã thẳng thắn cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có tính chất gia đình nên các bản thỏa ước mang tính hình thức, không đi vào thực chất nâng cao phúc lợi người lao động... Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn chưa nắm chắc các quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; một số cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, hưởng lương của doanh nghiệp nên các điều khoản trong thỏa ước hầu hết là đề xuất, không mang tính chất thương lượng...

Đâu là chìa khóa?

Việt Nam là quốc gia thứ 167/187 quốc gia thông qua việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Công ước này có hiệu lực từ ngày 5.7.2020, đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản để thương lượng tập thể phát huy hiệu quả đối với người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội. Nếu thành viên hay lãnh đạo công đoàn băn khoăn phải đối diện với sự phân biệt đối xử từ người sử dụng lao động do tham gia các hoạt động của công đoàn và/hoặc là thành viên công đoàn, công đoàn sẽ không thể thực hiện chức năng thương lượng tập thể với người sử dụng lao động một cách thực chất…

Theo các chuyên gia lao động, việc ký thỏa ước lao động tập thể nhóm là xu thế chung. Do vậy, thời gian tới, để có thể ký các thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp cần có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Các đơn vị thực hiện phải tập trung vào thỏa ước lao động tập thể đang có, bổ sung và nâng cao lợi ích cho người lao động. Đồng thời, tuyên truyền cho người sử dụng lao động về tổ chức công đoàn, lợi ích khi doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể nhóm. Ngoài ra, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tuyên truyền về lợi ích khi tham gia ký thỏa ước.

Để làm được điều này, trước hết năng lực trong việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể là một điều quan trọng. Tiếp theo là phải giúp cho người lao động cũng như người sử dụng lao động hiểu được mục đích của thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, có lợi gì cho doanh nghiệp và người lao động. Thực tế, muốn làm được việc này thì người sử dụng lao động phải biết được mục đích, ý nghĩa, tương tác về thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và bên tổ chức đại diện cho người lao động là tổ chức Công đoàn.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee khuyến nghị, “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thỏa ước lao động tập thể ngoài doanh nghiệp và các bài học kinh nghiệm để các cán bộ công đoàn đều tiếp cận được. Thay vì ưu tiên các mục tiêu định lượng như số lượng thỏa ước ngoài doanh nghiệp được ký kết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khuyến khích công đoàn cấp trên áp dụng cách tiếp cận cao nhằm bảo đảm thương lượng tập thể thực chất và mang lại lợi ích cho người lao động”.

Thái Yến