Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 10:22 - Chia sẻ
Cải thiện tình trạng sức khỏe của những đối tượng bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả người DTTS là trọng tâm trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi vẫn tồn tại sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.

Bình đẳng tiếp cận dịch vụ y tế

Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên DTTS do Liên minh Châu Âu tài trợ, được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam triển khai từ 7.2017 – 12.2021 tại 2 vùng là huyện Krông Bông (Đắk Lắk) và huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhằm huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam.

Sau 4 năm hoạt động, Dự án đã mang lại nhiều thành công, trong đó có 3 kết quả lớn nhất, đó là góp phần thay đổi nhận thức, năng lực của phụ nữ và thanh niên DTTS ở 2 huyện Krông Bông và huyện Lâm Hà về quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và những kiến thức để họ có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước các vấn đề dịch bệnh.

Chị Triệu Thị Sa, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, qua dự án chị biết thêm về các kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc cơ thể mình, chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình. “Trước đây, chúng tôi đều kệ hoặc âm thầm chịu đựng hoặc phải đi gần 100 km nếu cần khám phụ khoa" chị Sa nói.

Bà con người DTTS chủ động tham gia vào các buổi sinh hoạt cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. ITN
Các buổi sinh hoạt cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản được tổ chức thường xuyên hơn

Nguồn: ITN 

Thực tế, thông qua các chương trình, chính sách, Chính phủ đã đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, tăng cường công tác y tế dự phòng và bố trí bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã đạt 69%; thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở 22 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng giống nòi của một số dân tộc thiểu số đang bị suy giảm... Tuy nhiên, do những rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và người dân; những tập tục văn hóa lâu đời ở một số DTTS không cho phép phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và sinh con; muốn được nhân viên y tế nữ khám bệnh và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ; ở một số khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách tới cơ sở y tế xa... đã khiến cho việc tiếp cận chính sách của phụ nữ DTTS.

Đảm bảo nguồn lực

Đánh giá việc tiếp cận về quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ DTTS, theo Ủy ban Dân tộc, do điều kiện còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế cơ bản cho người dân chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư rất lớn giai đoạn 2021-2025 mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như đáp ứng được yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này.

Để khắc phục được tình trạng trên, các chuyên gia y tế cho rằng, cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử phức hợp, đan xen đối với phụ nữ DTTS trong quá trình tiếp cận các dịch vụ sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp cụ thể, như: Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ DTTS tới dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người DTTS, đặc biệt là nữ DTTS về các vấn đề này.

Tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: ITN 

Đồng thời, phân bổ đủ nguồn lực trong ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khỏe với trọng tâm là bà mẹ và trẻ em DTTS. Tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở tại vùng DTTS để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận, miễn phí và bảo đảm chất lượng. Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế ở vùng DTTS về bình đẳng giới, ngôn ngữ DTTS và thích ứng với văn hóa các DTTS...

Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó có dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Bộ Y tế vừa khởi động dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tai các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam", với kinh phí hơn 2 triệu USD trong vòng 3 năm. Theo đó, Dự án hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Thái Yến