Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:37 - Chia sẻ
Y tế dự phòng đóng vai trò “gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Để hoàn thành tốt sứ mệnh và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu, những năm qua, ngành y tế luôn nỗ lực hết mình và không ngừng đổi mới chương trình, cập nhật nội dung đào tạo phù hợp nhu cầu thực tiễn, nhất để nâng cao chất lượng hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở.

Cải thiện nhưng vẫn thiếu hụt

Hệ thống y tế dự phòng (YTDP) Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đã phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa nền y học nước nhà dần tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Số lượng cán bộ y tế đã tăng lên đáng kể; mức độ tăng ở nhóm nhân lực y tế có trình độ đại học như bác sĩ, điều dưỡng lớn hơn so với nhóm có trình độ thấp như y sĩ, điều dưỡng trung học, dược tá… Việc phân bố nguồn nhân lực y tế đã được cải thiện, làm tăng độ bao phủ của mạng lưới và nhân viên y tế rộng khắp từ Trung ương đến từng thôn bản, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giúp các địa phương khống chế kịp thời nhiều dịch bệnh.

Đổi mới chương trình đào tạo nhân lực cho y tế dự phòng Nguồn: ITN
Đổi mới chương trình đào tạo nhân lực cho y tế dự phòng
Nguồn: ITN

Chia sẻ về công tác đào tạo, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội GS.TS. Lê Thị Hương chia sẻ, là một trong những cơ sở đào tạo bài bản, nghiêm túc, uy tín và chất lượng nhất của cả nước, Viện vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và được các cơ sở sử dụng nhân lực đánh giá cao. Với đội ngũ cán bộ có trình độ cao gồm 2 giáo sư, 24 phó giáo sư, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, với quy chế hoạt động mới theo mô hình trường ba cấp; việc đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực luôn được chú trọng. Mỗi năm, có gần 200 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II tốt nghiệp từ các chuyên ngành của Viện; cung cấp số lượng đáng kể cán bộ y tế trình độ cao cho địa phương, đặc biệt các vùng khó khăn.

Có thể thấy, công tác đào tạo đã có được sự quan tâm đúng mức, tuy nhiên, trên thực tế, nhân lực y tế dự phòng vẫn thiếu về số lượng, số cán bộ được đào tạo chuyên về y tế dự phòng còn ít. Hầu hết bác sĩ của hệ y tế dự phòng đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành về y tế dự phòng. Ở tuyến Trung ương mới đáp ứng được 77% nhu cầu, tuyến tỉnh đáp ứng được 54% nhu cầu, tuyến huyện đáp ứng 41,6% nhu cầu. Tỷ lệ nhân lực y tế dự phòng trong tổng số nhân lực ngành y tế rất thấp, đặc biệt ở các khu vực phát triển, nơi có nhiều bệnh viện lớn. Công tác tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm.

Không ít ý kiến cho rằng, chương trình và loại hình đào tạo chưa có sự thống nhất, nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành và chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan sử dụng nhân lực. Tài liệu đào tạo chưa được chuẩn hóa trong toàn quốc, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của chuyên ngành y học dự phòng. Chính sách đãi ngộ đối với nhân lực hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng chưa đủ sức thu hút nên một số địa phương không thể tuyển được bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Do vậy mà việc tuyển dụng, duy trì nguồn nhân lực và khuyến khích sinh viên y khoa theo học y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, xác định tầm quan trọng trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, Bộ Y tế rất quan tâm tới lĩnh vực y tế dự phòng, đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực và coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong việc xây dựng hệ thống y tế trong tương lai.

Theo đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực có trình độ cho y tế dự phòng, có cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ phù hợp; tiếp tục mở rộng mô hình đào tạo, tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng, chống bệnh tật cho cán bộ y tế, tạo cơ hội cho các cán bộ trong ngành tiếp cận và cập nhật kiến thức chuyên khoa ở trong nước cũng như quốc tế.

Cùng với đó, cần đổi mới nội dung và tính thiết thực trong đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường kèm cặp, huấn luyện, phát triển năng lực tại chỗ, nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường các hình thức đào tạo, cập nhật, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; đưa nguồn nhân lực y tế dự phòng từ tuyến dưới lên tuyến trên học tập, bồi dưỡng; ưu tiên xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đánh giá hiệu quả của các chính sách, có biện pháp thu hút, duy trì, tăng cường năng lực nguồn nhân lực y tế dự phòng tại vùng sâu, vùng xa.

Trước thực trạng thiếu nhân lực y tế dự phòng chất lượng cao tại tuyến y tế cơ sở, không ít ý kiến cho rằng, phải đầu tư ngân sách nhiều hơn cho đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các vùng còn thiếu nhân viên y tế và nhân lực y tế dự phòng. Tuyển chọn những cán bộ giỏi, cán bộ trẻ có phẩm chất và năng lực để đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Hải Yến