Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Cao Bằng Khóa XVI

Nâng bậc các sản phẩm OCOP cấp tỉnh

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:04 - Chia sẻ
Độ chính xác con số tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 3,6%; tiến độ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, Đề án Nông nghiệp thông minh hay giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học khi triển khai chương trình đạo tạo mới cho năm 2022 - 2023… Những vấn đề đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cơ bản đã được trả lời, làm rõ.

Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

Trong năm qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, người lao động mất việc làm, các công trình xây dựng cơ bản hầu như ngừng thi công hoặc thi công chậm. Trong bối cảnh đó, đại biểu Công Văn Hưu (huyện Bảo Lâm) băn khoăn với kết quả lao động qua đào tạo của tỉnh vẫn đạt 45% kế hoạch, trong đó đào tạo nghề đạt 33% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 3,6%.

Các đại biểu nêu ý kiến tại phiên chất vấn
Ảnh: Khánh Duy

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc tỉnh sẽ thiếu khoảng 300 giáo viên ngoại ngữ và tin học khi triển khai chương trình đào tạo mới cho năm 2022 - 2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dương cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát tình hình đội ngũ giáo viên hiện tại để tham mưu xây dựng kế hoạch đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sở cũng đã trình UBND tỉnh duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục - đào tạo hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên của các cơ sở giáo dục; rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp; ký hợp đồng dạy học đối với những giáo viên tiếng Anh, Tin học đáp ứng đủ điều kiện…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo cho biết: Đại dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh, chủ yếu là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình việc làm và xuất khẩu lao động, đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp; rà soát nhu cầu đào tạo nghề, bổ sung danh mục nghề đào tạo; xây dựng, cập nhật bổ sung chương trình giáo trình đào tạo; đẩy mạnh tuyên truyền định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh, tuyển sinh học nghề.

Cùng với đó, quan tâm hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp giải quyết việc làm tại chỗ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách việc làm công, dự án vay vốn hỗ trợ đào tạo việc làm. Duy trì cổng thông tin kết nối thị trường lao động trong tỉnh với các tỉnh trên cả nước, giúp người lao động có thể truy cập tìm kiếm việc làm; tổ chức đào tạo nghề, hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cung ứng lao động phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều lao động của tỉnh dịch chuyển đến các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh để làm việc…

Nhờ vậy, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.1910 lao động, đạt 103,6% kế hoạch. Trong đó, đã giải quyết việc làm tại chỗ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và chính sách việc làm công cho 6.061 lao động; làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh là 5.813 lao động; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 38 lao động. Căn cứ vào kết quả thu thập thông tin cung - cầu lao động và điều tra chọn mẫu nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,6%.

Hỗ trợ tư vấn, đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP

Trả lời chất vấn của đại biểu Bàn Văn Lâm (huyện Nguyên Bình) về việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bế Xuân Tiến cho biết: Trên địa bàn có khoảng 184 sản phẩm có lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trên cơ sở thực trạng các sản phẩm và mục tiêu của Đề án, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trong năm 2020 để các sở, ngành, địa phương thực hiện, trong đó tập trung 5 nội dung chính. Gồm: Lựa chọn trên 20 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có đưa vào chương trình OCOP; lựa chọn và kiện toàn 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và lãnh đạo doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất có đăng ký tham gia Chương trình; triển khai chu trình OCOP; xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành chương trình các cấp.

Sau khi triển khai các nội dung theo Kế hoạch Đề án, các huyện đã xây dựng hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP, tập trung vào các sản phẩm cấp tỉnh. Tính đến hết tháng 11.2020, đã có 24 sản phẩm của các chủ thể là HTX, hộ kinh doanh. Hội đồng sẽ đánh giá, phân hạng các sản phẩm cấp tỉnh đã rà soát, thẩm định đánh giá, trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao. Với các sản phẩm này, UBND tỉnh đang giao các sở, ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ tư vấn, đầu tư phát triển để nâng bậc, đến năm 2025 phấn đấu có 5 sản phẩm chủ lực đạt 4 sao cấp tỉnh, 120 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.

Liên quan đến Đề án Nông nghiệp thông minh, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, tỉnh đã xác định thực hiện các cây trồng đặc hữu, phát huy các tiềm năng lợi thế, đưa ra các sản phẩm có năng xuất, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… có sức cạnh tranh cao đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Tập trung vào các sản phẩm: Gừng, nghệ, cây ăn quả, rau các loại, trúc, hồi, quế, cây dược liệu và các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, bò… Gắn với các giải pháp từ tổ chức sản xuất đến thị trường, hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác thương hiệu, chứng nhận chất lượng nông sản cho chủ thể thực hiện chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã. Trong đó, việc thực hiện Đề án OCOP là một nội dung quan trọng.

Khánh Duy