Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh tiêm vaccine

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 06:27 - Chia sẻ
Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế năm 2021 với chủ đề "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu", do trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 29.7, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh tiêm vaccine để tạo niềm tin, qua đó bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19 tại Đại học Y Hà Nội
Ảnh: Đan Thanh

Tăng trưởng cả năm có thể chỉ đạt 4,8%

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cho rằng, suy thoái toàn cầu dưới tác động của Covid-19 đã buộc các nước phải xem xét lại vị trí, chỗ đứng của mình trong nền kinh tế toàn cầu, khi có những nước tăng trưởng dương song có nước lại tăng trưởng âm. Đặt trong bối cảnh đó, đặc biệt khi năm 2021 có ý nghĩa bản lề của giai đoạn phát triển tới, việc định vị lại nền kinh tế Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng.

Xét trên phạm vi toàn cầu, theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), nếu như năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm âm 3,5% và không đồng đều giữa các nước khi nhóm nước phát triển có tốc độ suy giảm mạnh nhất thì năm nay triển vọng phục hồi đang tích cực. Ngân hàng Thế giới dự đoán năm nay kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,6%. Các quốc gia như EU, Mỹ đều tăng trưởng dương trong hai quý vừa qua. 

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội bởi Mỹ, EU đều là những đối tác quan trọng. Tuy vậy, “Việt Nam có tận dụng được không phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như chiến lược sống chung với dịch bệnh, bảo đảm sản xuất và xuất khẩu”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu bình luận.

Nếu coi tiêm chủng là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế thì tỷ lệ của Việt Nam hiện trong nhóm nước thấp nhất thế giới khi chỉ có 0,4% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Mặt khác, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng chưa thống nhất, có tình trạng áp dụng cực đoan đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trước thực tế này, các chuyên gia của Đại học Kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 1 - 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở (bệnh dịch trong nước kiểm soát được vào cuối quý III.2021, tiêm chủng được đẩy nhanh và các hoạt động kinh tế gần như trở lại bình thường vào quý IV), tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt 4,5 - 5,1%, trung bình là 4,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Trong trường hợp các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay trong tháng 8 tới, tăng trưởng có thể đạt 5,4 - 6,1%.

Bảo đảm an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu

Các chuyên gia của Đại học Kinh tế cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế trong ngắn hạn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả và phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống dịch cũng như các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, để đạt được tăng trưởng kinh tế, không có cách nào khác là Việt Nam phải bảo đảm mục tiêu y tế. Nói cách khác, vaccine Covid-19 chính là động lực cho tăng trưởng. Để quyết định có đầu tư hay mở rộng sản xuất không, nhà đầu tư sẽ nhìn vào tỷ lệ người dân được tiêm chủng, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp. Nói cách khác, việc tiêm vaccine sẽ quyết định tâm lý của nhà đầu tư cũng như tâm lý của thị trường. Dẫn ví dụ từ Philippines khi xác định rõ ngân sách cụ thể dành cho vaccine trong năm 2021 và 2022, ông Cường cho rằng, chỉ khi nêu rõ nguồn chi cho vaccine mới củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cho thấy Chính phủ thực sự quyết tâm cao chứ không phải chỉ dừng ở những văn bản chỉ đạo!

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Đại học Kinh tế khuyến nghị Chính phủ nên ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần bảo đảm trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực; nâng cao nội lực của nền kinh tế qua các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân...

Thanh Thủy