Tăng năng suất lao động bình quân 7,5% đến năm 2030

Mục tiêu không đơn giản

- Thứ Hai, 18/01/2021, 06:51 - Chia sẻ
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Quyết định số 36), trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 năng suất lao động tăng bình quân 7,5%. Đây là mục tiêu không đơn giản và cần nỗ lực rất lớn mới có thể đạt.

Tăng trưởng kinh tế bình quân phải đạt 8,5 - 9%

Mục tiêu chung phát triển kinh tế của chúng ta là hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36 vào lúc này rất có ý nghĩa. Bởi lẽ, chỉ có tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tăng năng suất lao động, tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) (gọi chung là tăng năng suất) thì tăng trưởng kinh tế mới có tính ổn định và bền vững, có khả năng cạnh tranh tốt, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường xuất khẩu, mang lại nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội, tạo điều kiện để mở rộng sản xuất và góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân.

	Mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 7,5% đến năm 2030 là tham vọng lớn, không dễ thực hiện. Ảnh: Đan Thanh
Mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 7,5% đến năm 2030 là tham vọng lớn, không dễ thực hiện.
Ảnh: Đan Thanh

Có nhiều yếu tố làm tăng năng suất lao động và tăng TFP, trong đó tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quan trọng bậc nhất.

Quyết định số 36 đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm; đóng góp của khoa học, công nghệ thông qua tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 45%. Đến năm 2030, các mục tiêu này lần lượt đạt 7,5% và 50%.

Phân tích kỹ về mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động có thể thấy Quyết định số 36 tham vọng lớn nhưng khó thực hiện. Bởi lẽ, để đạt được mức tăng này thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm cả giai đoạn 2021 - 2030 phải đạt từ 8,5% đến 9%, vì trong đó còn có trên 1% tăng trưởng kinh tế do tăng số lao động làm việc (dân số của Việt Nam qua các năm liên tục tăng nên số lao động làm việc cũng sẽ tăng tương tự). Do vậy, nếu đặt mục tiêu đến năm 2025 năng suất lao động đạt trên 7%, đến năm 2030 đạt trên 7,5% thì có khả năng thực hiện được, bởi giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng năng suất lao động bình quân của Việt Nam đã đạt trên 5%.

Đối với mục tiêu đóng góp của khoa học, công nghệ thông qua TFP vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 khoảng 45% và đến năm 2030 khoảng 50% có thể thực hiện được nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Quyết định số 36 đề ra. Bởi tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019 đã ở mức 44,5%.

Phải tăng nhanh kết quả đầu ra

Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tăng năng suất theo Quyết định số 36 cơ bản đầy đủ, phù hợp và bao quát được nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm là “chú ý củng cố công tác hạch toán, cần thống nhất và có chương trình hướng dẫn phương pháp tính năng suất lao động đối với doanh nghiệp”.

Để các doanh nghiệp có cơ sở phấn đấu không ngừng nâng cao năng suất lao động thì trước hết doanh nghiệp phải biết năng suất lao động của họ đang ở đâu, tăng giảm qua các năm ra sao, so với năng suất lao động của các doanh nghiệp khác như thế nào… Tuy vậy, từ nhiều năm nay chưa có hướng dẫn thống nhất về cách tính năng suất lao động theo chỉ tiêu giá trị như thế nào cho doanh nghiệp.

Thực tế, tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng năng suất lao động của các ngành, lĩnh vực cũng như toàn nền kinh tế quốc dân. Để các doanh nghiệp có cơ sở phấn đấu không ngừng nâng cao năng suất lao động thì trước hết doanh nghiệp phải biết năng suất lao động của họ đang ở đâu, tăng giảm qua các năm ra sao, so với năng suất lao động của các doanh nghiệp khác như thế nào… Tuy vậy, từ nhiều năm nay chưa có hướng dẫn thống nhất về cách tính năng suất lao động theo chỉ tiêu giá trị như thế nào cho doanh nghiệp.

Trong giáo trình Thống kê kinh tế của một số trường đại học có đề cập đến phương pháp tính năng suất lao động theo chỉ tiêu giá trị sản xuất (năng suất lao động = giá trị sản xuất : lao động bình quân). Hiện nay, năng suất lao động toàn nền kinh tế tính theo chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), còn các ngành và khu vực kinh tế tính theo chỉ tiêu giá trị tăng thêm. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong so sánh, nghiên cứu quan hệ về năng suất lao động giữa doanh nghiệp với các ngành, các khu vực kinh tế và toàn nền kinh tế quốc dân, ở doanh nghiệp cũng cần phải tính năng suất lao động theo chỉ tiêu giá trị tăng thêm. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp tính toán chỉ tiêu giá trị tăng thêm và tính toán năng suất lao động theo chỉ tiêu này.

Cốt lõi, để tăng năng suất có hai hướng. Một là, tăng thêm kết quả đầu ra và giữ nguyên chi phí đầu vào. Hai là, giảm chi phí đầu vào và giữ nguyên kết quả đầu ra. Khi phấn đấu tăng năng suất phải thực hiện đồng thời cả hai hướng đó.

Trong giai đoạn tới, cần nhấn mạnh hơn đến tăng năng suất theo hướng thứ nhất: Tăng nhanh kết quả đầu ra, tức là tăng nhanh chỉ tiêu GDP hoặc giá trị tăng thêm. Cụ thể, phải chú trọng đầu tư công nghệ theo chiều sâu, đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ của người lao động trong sản xuất kinh doanh để vừa tăng thêm khối lượng sản phẩm (tăng cả về số lượng và chủng loại) vừa phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm (có giá bán cao hơn, tức là sẽ có giá trị tăng thêm lớn hơn, kéo theo tăng năng suất).

Trong công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam hiện nay, có nhiều ngành mới đảm nhận được những công đoạn sản xuất có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất rất thấp. Do đó, yêu cầu đặt ra phải chú trọng đầu tư để phấn đấu đảm nhận thêm nhiều công đoạn sản xuất khác nữa nhằm có được giá trị tăng thêm lớn hơn. Khi đó, tất yếu năng suất sẽ cao hơn.

PGS.TS TĂNG VĂN KHIÊN - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê