Mục tiêu khó khăn

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:55 - Chia sẻ
Con đường thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 của Ấn Độ được nhận định sẽ còn rất dài và đầy thách thức. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ sẽ cần rất nhiều chính sách, kế hoạch chiến lược cụ thể trong những thập kỷ tới, nhưng điều này không phải là không thể.
Nguồn: CNBC

Hiện nay, Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba trên thế giới. Do đó, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2070 đã khiến cả thế giới ngạc nhiên, cũng như mong đợi kết quả trong tương lai. Mặc dù đây là lần đầu tiên Ấn Độ đưa ra cam kết như vậy, nhưng mốc thời gian vẫn còn hai thập kỷ nữa là vượt mục tiêu năm 2050 mà các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu đặt ra.

Phát thải ròng bằng 0 nghĩa là đạt được sự cân bằng tổng thể giữa phát thải khí nhà kính được tạo ra và phát thải khí nhà kính loại bỏ khỏi bầu khí quyển, thông qua các phương tiện tự nhiên hoặc bằng cách sử dụng công nghệ thu hồi lưu trữ carbon, hoặc có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được rừng và đại dương hấp thụ.

Mục tiêu có khả thi?

Mục tiêu trên của Ấn Độ đã thu hút nhiều sự quan tâm và nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu Ấn Độ có thể thực hiện được nó hay không, khi Ấn Độ là quốc gia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch như dầu và than đá, đồng thời những sự ưu tiên về kinh tế của nước này chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước. Nhu cầu năng lượng của đất nước dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới khi nền kinh tế tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng.

Theo Giám đốc Chương trình khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới Ulka Kelkar, mục tiêu năm 2070 của Ấn Độ hoàn toàn có khả năng đạt được, nhưng nó phải được thực hiện cùng với các mục tiêu khác cho năm 2030 mà Thủ tướng Ấn Độ đã công bố. Chúng bao gồm những điều sau: Ấn Độ sẽ mở rộng công suất năng lượng tái tạo lên 500 gigawatt vào năm 2030; Khoảng 50% nhu cầu năng lượng của nó sẽ đến từ các nguồn tái tạo; Ấn Độ sẽ giảm cường độ carbon trong nền kinh tế của mình dưới 45%.

Nhà kinh tế của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) Vaibhav Chaturvedi nhận định rằng, mặc dù mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 của Ấn Độ có thể đến muộn hơn các nước khác, nhưng thực sự thì mục tiêu này tham vọng hơn nhiều so với Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU). CEEW kỳ vọng điều này sẽ cung cấp một lộ trình rõ ràng cho thị trường năng lượng Ấn Độ và toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh tốc độ hướng tới quá trình khử carbon sâu, cũng như kiểm soát được mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 1,5 độ C.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Ấn Độ sẽ cần có nguồn hỗ trợ tài chính sẵn có từ các nước phát triển, vì nếu không có vốn nước ngoài đi kèm với các điều khoản ưu đãi thì việc chuyển đổi này sẽ rất khó khăn. Ông cũng cho biết thêm, vào năm 2070, Ấn Độ cũng sẽ là một quốc gia tương đối giàu có hơn với thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều so với hiện tại, và điều này sẽ tạo ra không gian tài khóa cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Trước những thách thức, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Ấn Độ quyết tâm tiến lên với một cam kết mới và năng lượng mới thì tài chính cho lĩnh vực khí hậu và chuyển giao công nghệ chi phí thấp cũng sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Mặc dù vậy, khác với năm 2015, các cam kết của Ấn Độ trong năm nay không đi kèm điều kiện tài chính. Ấn Độ đã cố gắng đạt được những mục tiêu ban đầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà không cần bất kỳ nguồn tài trợ đáng kể nào.

Những bước đi cụ thể

Ấn Độ có thể sẽ nhắm mục tiêu đầu tiên vào lĩnh vực điện, vì quốc gia này đã đạt được những bước tiến lớn trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua năng lượng mặt trời và gió. Một lĩnh vực lớn thứ hai là hydro. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Hydro là một “chất mang năng lượng đa năng” có thể giúp đáp ứng các thách thức năng lượng khác nhau. Mặc dù, nó có một loạt các ứng dụng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong nhiều lĩnh vực, nhưng phần lớn việc sản xuất hydro ngày nay vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch như một nguồn điện, khiến nó trở thành một quá trình gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Nhà đàm phán khí hậu của Ấn Độ - một cựu đại sứ tại Liên minh châu Âu và Trung Quốc Chandrashekhar Dasgupta tin rằng, những đột phá lớn về công nghệ đối với quá trình khử carbon chủ yếu sẽ bắt nguồn từ những quốc gia này, và các quốc gia nghèo hơn sẽ làm theo trong nửa cuối thế kỷ này. Các nước giàu có thể chịu chi phí R&D ban đầu cao và các chi phí phát sinh khác. Chi phí sẽ giảm dần theo quy mô kinh tế và sự khác biệt về giá cả, tạo điều kiện cho các nước nghèo làm theo.

Bên cạnh đó, Anh và Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch nhằm cải thiện kết nối giữa các lưới điện trên thế giới để đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhanh hơn. Việc liên kết các lưới điện sẽ cho phép các khu vực trên thế giới có lượng điện tái tạo dư thừa có thể đưa nó đến các khu vực bị thâm hụt. Tại cuộc đàm phán về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, "Sáng kiến ​​Lưới xanh" đã được hơn 80 quốc gia ủng hộ.

Kế hoạch này có thể thiết lập mô hình hay cách mà các nước giàu giúp những nước nghèo hơn giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần đáp ứng mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ so với định mức thời kỳ tiền công nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, nếu thế giới phải hướng tới một tương lai xanh và sạch, các mạng lưới xuyên quốc gia được kết nối với nhau này sẽ là những giải pháp quan trọng.

Như Ý