Xây dựng 5.000km cao tốc đến năm 2030

Mục tiêu khó, cần giải pháp đặc biệt

- Thứ Hai, 14/06/2021, 06:27 - Chia sẻ
Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu có khoảng 5.000km cao tốc vào năm 2030. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) TRẦN CHỦNG, đây là mục tiêu rất khó, nếu không có giải pháp đặc biệt sẽ không thể hoàn thành.

Phải đưa Luật PPP vào cuộc sống

- Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 5.000km đường cao tốc đến năm 2030. Ông nghĩ sao?

- Trong hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc đóng vai trò quyết định tạo nên hiệu quả liên kết, là động lực phát triển kinh tế. Do vậy, các nước rất chú trọng phát triển cao tốc. Mục tiêu xây dựng 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 của Chính phủ là đột phá quan trọng giúp chúng ta hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Thực tế, chúng ta đã quan tâm đến việc phải xây dựng đường bộ cao tốc từ cuối những năm 1990. Năm 2004, chúng ta khởi công xây dựng tuyến cao tốc đạt chuẩn đầu tiên Sài Gòn - Trung Lương dài 43km. Tuy vậy, sau 20 năm, cả nước mới có 1.163km cao tốc, chưa đáp ứng kỳ vọng. Để đạt mục tiêu đề ra, trong 9 năm tới chúng ta phải xây dựng được hơn 3.800km nữa. Đây rõ ràng là mục tiêu không đơn giản.

- Vì sao vậy thưa ông?

- Xây dựng các tuyến cao tốc dọc đất nước sẽ phải vượt qua các thách thức về kỹ thuật do núi cao, vực sâu, các vùng đất yếu. Ở đây không chỉ cần trí tuệ, công nghệ mà con cần kinh phí để rút ngắn tiến độ bảo đảm chất lượng công trình. Vì vậy, tôi cho rằng phải có giải pháp đặc biệt, cơ chế đặc biệt, cách tổ chức đặc biệt để chúng ta hoàn thành loại công trình đặc biệt này.

- Cách làm đặc biệt đó là gì?

	Mục tiêu 5.000 km cao tốc đến năm 2030 không đơn giản, đòi hỏi có giải pháp đặc biệt. Nguồn ITN
Mục tiêu 5.000 km cao tốc đến năm 2030 không đơn giản, đòi hỏi có giải pháp đặc biệt.
Nguồn ITN

- Được biết, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lập đề án để triển khai thực hiện mục tiêu này. Tôi chưa có cơ hội tiếp cận đề án này nhưng mong đề án sẽ đề xuất được các giải pháp về thể chế, chính sách và cách triển khai cũng phải theo cơ chế đặc biệt.

Ví dụ, nhiều nước có luật về đường cao tốc. Chúng ta chờ làm luật thì mất cơ hội, vậy tôi đề nghị, Luật Giao thông đường bộ sắp được Quốc hội thông qua cần bổ sung một chương về đường cao tốc. Về chính sách, cần nghiên cứu để Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đi vào cuộc sống.

Về tổ chức thực hiện, tôi được biết Bộ GTVT từng đề xuất lập Cục Đường cao tốc thì nay nên thành lập để trở thành một đầu mối giúp Chính phủ.

Một vấn đề rất quan trọng là huy động chính quyền các địa phương có đường cao tốc đi qua trở thành các chủ thể quan trọng thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm góp phần thúc đẩy xây dựng đường cao tốc.

Phân cấp mà thiếu tầm nhìn sẽ thất bại

- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực hiện mục tiêu xây dựng 5.000km cao tốc (Thông báo số 141/TB- VPCP). Ý kiến của ông thế nào?

- Thủ tướng chỉ đạo phân cấp cho các tỉnh là rất đúng và trúng. Khi đó sẽ tạo được sự vào cuộc tổng lực. Chính quyền địa phương vốn có lợi thế rất lớn trong giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực địa phương xây dựng và là chủ thể bảo đảm khai thác bền vững, an toàn tuyến cao tốc qua địa phương mình.

Song, muốn phát huy hiệu quả, chính quyền mỗi địa phương phải hiểu được bản chất giá trị mà cao tốc mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước. Tuyến đường cao tốc sẽ phát huy hiệu quả kế hoạch sử dụng đất, đánh thức nguồn lực đất đai của địa phương. Các điểm nối của cao tốc sẽ trở thành trung tâm đô thị, trung tâm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy kinh tế trên địa bàn. Do đó, lãnh đạo các tỉnh phải có tầm nhìn dài hạn cho 10 năm, 20 năm, thậm chí xa hơn, nếu không sẽ thất bại.

- Để xây dựng 5.000km cao tốc cần 700 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng chỉ đạo, vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định và đầu tư PPP là chính. Theo ông, làm thế nào để huy động được nguồn lực này?

- Chúng ta sẽ không thể huy động nguồn lực xã hội nếu không giải bài toán vì sao các nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án theo phương thức PPP.

Lý do trước tiên bởi hệ thống pháp luật chưa tạo ra sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cơ chế xin - cho vẫn còn, nhà đầu tư hoàn toàn ở tâm thế “cửa dưới”, trong khi bản chất PPP phải là sự liên kết giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trên cơ sở bình đẳng để tạo ra sản phẩm dịch vụ công phục vụ xã hội.

Mặt khác, đã là đối tác thì phải tạo dựng được niềm tin lẫn nhau, nhưng thời gian qua Nhà nước đã chưa tạo được niềm tin với nhà đầu tư, chưa cùng nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, hứa nhưng không thực hiện như thu xếp vốn, lộ trình tăng phí…

Hiện, chúng ta có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, năng lực, trình độ, đặc biệt là khát vọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước như VinGroup, Đèo Cả, Sun Group… Họ cũng dám đột phá, sẵn sàng đột phá.

Song, điều kiện cần là Nhà nước phải ban hành thể chế, chính sách tạo dựng niềm tin, khuyến khích nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các chính sách đó phải bảo đảm sự bền vững, lâu dài cho các giá trị mà nhà đầu tư mang lại. Đặc biệt, chính sách phải cởi mở mới kích hoạt được tiềm năng sáng tạo, dám đột phá.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện