Mục tiêu hàng đầu!

- Thứ Năm, 17/06/2021, 06:27 - Chia sẻ
“Ổn định kinh tế vĩ mô phải là mục tiêu hàng đầu”! Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội hôm 15.6 vừa qua. Trước đó, trong cuộc làm việc với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý hai cơ quan “gác cổng” cho Quốc hội không được lơ là mà phải luôn quan tâm đến vấn đề này.

Nhìn lại 5 năm qua có thể thấy Chính phủ đã luôn nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kiên trì điều hành nền kinh tế theo định hướng này. Nhờ đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá “đẹp”. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,15%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%). Lạm phát cơ bản bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 6,31%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng được xử lý, kiểm soát ở mức dưới 3% và liên tục giảm qua mỗi năm. Trong giai đoạn này, lãi suất có xu hướng giảm dần và ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng. Cán cân thương mại hàng hóa liên tục thặng dư và tăng bình quân 11,8%/năm tạo điều kiện cải thiện cán cân thanh toán. Nợ công so với GDP giảm từ 63,7% năm 2016 xuống còn 55,2% vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ từ 52,7% GDP còn 49,1% GDP...  

Chính nền tảng ổn định “dày công bao năm mới có được” - như lời Chủ tịch Quốc hội - đã hỗ trợ nước ta vượt qua bão Covid-19 năm 2020 và đạt được mức tăng trưởng cao thuộc nhóm cao nhất thế giới. Có thể nói, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những động lực quan trọng và là nội lực của Việt Nam.

Tuy vậy nền tảng này đang bị lung lay! CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016 là một tín hiệu tích cực. Song, ở trong nước giá nhiều mặt hàng, nhất là nguyên vật liệu như thép, dầu đang duy trì đà tăng mạnh; còn ở bên ngoài, các nước đang tích cực triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Hai yếu tố này cùng với diễn biến từ độ trễ cung tiền, giá bất động sản, chứng khoán… chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên lạm phát.

Nợ xấu cũng là mối lo lớn khi mà cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là 1,69%, hiện đã nhích lên 1,76% và chưa dừng lại ở đó. Ngân hàng Nhà nước ước tính cuối năm nay, nợ xấu nội bảng có thể dao động 1,54 - 1,91%; nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng thì con số này khoảng 3,43 - 3,84%. Còn nợ xấu tính theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 có thể vọt lên 4,56% - 4,98%. Đáng chú ý, những tính toán này đặt trong điều kiện dịch bệnh sớm được kiểm soát.

Bên cạnh nợ xấu, bong bóng tài sản cũng là câu chuyện rất đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng trong điều kiện dư địa chính sách hạn hẹp. Sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, giá bất động sản tăng bất thường là những chỉ dấu cho thấy hưởng lợi chính từ chính sách tiền tệ mở rộng dường như không phải là lĩnh vực sản xuất.

Bong bóng tài sản luôn để lại những hậu quả lớn cho nền kinh tế. Lạm phát và nợ xấu ngân hàng là hai trong số những hậu quả trầm trọng mà bong bóng đầu cơ bất động sản để lại trong giai đoạn 2007 - 2008. Không chỉ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm chậm quá trình hồi phục của nền kinh tế, bong bóng tài sản còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Nhìn vào những rủi ro hiện hữu có thể hiểu vì sao giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được người đứng đầu Quốc hội xác định là mục tiêu hàng đầu và nhấn mạnh từng bộ, ngành đều phải chịu trách nhiệm. Càng trong bối cảnh bất định, càng phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tăng sức chống chịu cho nền kinh tế và khi dịch qua đi, chúng ta mới có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Hà Lan