Mục tiêu, chủ thể ban hành và sửa đổi Hiến pháp

- Thứ Ba, 19/02/2013, 08:33 - Chia sẻ
Điểm khác cơ bản giữa Hiến pháp và các việc thường nhật khác nằm ở chỗ, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật dài hơi, thậm chí là việc làm của hàng trăm năm cho nên việc xác định mục tiêu, xác định chủ thể của việc ban hành Hiến pháp so với các vụ việc khác rất khó khăn. Mặc dù, chúng ta đã có tới 4 bản Hiến pháp và 1 lần sửa đổi nhưng mục tiêu và chủ thể của việc ban hành Hiến pháp vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Hiến pháp thủa mới ra đời cũng như các đạo luật khác - là một đạo luật của nhà vua ban hành để khẳng định quyền của người dân. Lẽ đương nhiên những quyền này mới ban đầu chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, và càng ngày càng mở rộng cho các chủ thể khác, ngay cả của thần dân, mà trước đó họ chỉ có nghĩa vụ, không có quyền lợi. Bên cạnh việc khẳng định quyền của người dân, Hiến pháp cũng đồng thời có tác dụng hạn chế quyền lực nhà nước của nhà vua. Hai việc đó đi liền với nhau không tách rời. Đó là những thời kỳ của chế độ phong kiến và thực dân, mà điển hình đầu tiên là bản Đại Hiến chương Magna Carta 1215 của Anh quốc.

Sang tới chế độ dân chủ, chủ quyền thuộc về nhân dân thì sự thống nhất giữa mục tiêu và chủ thể ban hành càng được lộ diện một cách rõ nét. Hiến pháp như là một bản Khế ước xã hội của nhân dân do nhân dân thực hiện quyền chủ quyền của mình làm ra, cam kết với nhau cùng thành lập ra nhà nước với mục tiêu duy trì hạnh phúc của chính nhân dân, mà không phải thành lập ra nhà nước để áp bức nhân dân. Trong trường hợp nhà nước không thực hiện được nguyện vọng đó, nhân dân có thể trông chờ vào Hiến pháp để thay đổi nhà nước. Mục tiêu và chủ thể của Hiến pháp đều phải được nói trong đoạn văn đầu tiên của Hiến pháp được gọi là Lời nói đầu của Hiến pháp.

Khái niệm nhân dân ở đây rất thuần khiết, nhiều khi không bao hàm những người đang cầm quyền lực nhà nước. Bởi một lẽ đơn giản, những người cầm quyền lực nhà nước bao giờ cũng có xu hướng kéo dài sự cầm quyền của mình. Hiến pháp có một mục tiêu duy nhất là bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Đây cũng là nội dung được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và cả trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, của Việt Nam, mà Hồ Chủ tịch thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và toàn thế giới ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thay vì không thể trực tiếp soạn và thông qua bản Hiến pháp, nhân dân phải ủy thác cho QH lập hiến bao gồm đại diện các tầng lớp nhân có trách nhiệm soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Đó là quyền lập hiến, quyền này khác với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là những quyền được quyền lập hiến lập ra.

Bên cạnh các thể loại QH lập hiến, do nhân dân bỏ phiếu bầu ra có chức năng làm và sửa đổi Hiến pháp, ở nhiều quốc gia vẫn có thể giao cho QH lập pháp làm và sửa đổi Hiến pháp. Cho dù QH lập hiến hay QH lập pháp được giao nhiệm vụ lập hiến, thì bản Hiến pháp được soạn ra vẫn là phải mang danh nghĩa của nhân dân.

Chủ thể của việc ban hành là nhân dân, với mục tiêu duy trì sự thịnh vượng chung và hạnh phúc của người dân kể cả hậu thế của họ được ghi nhận một cách trang trọng trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp Mỹ quốc. Chỉ bằng một câu gồm 51 từ nhưng Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ vẫn vang lên sự kiêu hãnh từ phía người dân giao nhiệm vụ rất nặng nề cho nhà nước, làm khuôn mẫu cho nhiều Lời nói đầu của các bản Hiến pháp khác:

“Chúng tôi, Nhân dân Hợp chúng quốc, với mục đích thực hiện mục sự liên hiệp chặt chẽ hơn, thiết lập công lý, duy trì an ninh nội bộ, trù liệu cho công cuộc phòng thủ chung, phát triển sự thịnh vượng toàn diện và đảm bảo lợi ích cho chúng tôi và hậu thế của chúng tôi các điều lợi ích của tự do, quyết định và thiết lập bản Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Mỹ Châu”(1).

Cũng tương tự như vậy Lời nói đầu của Hiến pháp Nhật bản ghi: “Chúng tôi, nhân dân Nhật bản, đại diện bởi dân biểu Quốc hội, nhất tâm bảo vệ chúng tôi và các thế hệ mai sau, những lợi ích của sự hợp tác an bình với các quốc gia khác và những công trình của nền tự do trong nước, quyết định không chứng kiến những thảm họa chiến tranh do Chính phủ trước đã gây ra, tuyên bố rằng nhân dân nắm giữ chủ quyền và soạn thảo bản Hiến pháp này”(2) .

 Nhìn lại lịch sử của các Hiến pháp Việt Nam không phải không có Hiến pháp có Lời nói đầu như vậy. Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã thể hiện thành công hơn cả các Hiến pháp sau này khi quy định mục tiêu và chủ thể của hiến pháp. Chủ thể quyền lập hiến theo Hiến pháp 1946 là “quốc dân” và được thể hiện như sau:

“Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng, và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo

Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; (tôi nhấn mạnh)

-  Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân.”

 Chính nội dung trên, về sau này mãi cho đến hiện nay được gắn gọn trong tất cả các giấy tờ bằng tiêu thức chính thống của văn bản, như là mục đích  cuối cùng của văn bản. Văn bản này được ban hành ra với mục đích duy nhất của việc thực hiện văn bản được ban hành để cho nhân dân hạnh phúc hơn:

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập, Tự do, Hạnh  phúc”

Văn thức trên không những được ghi nhận trang trọng tại các văn bản của các cơ quan nhà nước, mà còn được buộc phải ghi nhận tại các đơn thư thỉnh cầu của người dân. Khi gửi bất cứ một lá đơn nào lên chính quyền, mọi người dân đều ghi trang trọng văn thức trên vào chính giữa những dòng đầu tiên lá đơn từ của mình, và đều hy vọng chính quyền sẽ giải quyết yêu cầu của mình để họ có thể hạnh phúc hơn, kể cả đơn gửi chính quyền xin ly hôn, bởi vì cuộc hôn nhân của họ đang làm cho người gửi đơn không có hạnh phúc.

Khác với các Hiến pháp năm 1946, các Hiến pháp sau này của năm 1959, 1980 và của 1992 đang hiện hành không nói rõ một cách trực tiếp mục tiêu và chủ thể ban hành Hiến pháp. Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là dịp tốt cho việc khẳng định lại mục tiêu cũng như chủ thể ban hành này của Hiến pháp. Khác với những Lời nói đầu của các Hiến pháp 1959, 1980, và của Hiến pháp hiện hành, dự thảo sửa đổi công bố ngày 2 tháng 1 năm 2013 để nhân dân tham gia ý kiến có nhận thức được vấn đề nói trên, nhưng vẫn ở dạng không dứt khoát, bằng đoạn kết của Lời nói đầu:

“Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” (Tôi nhấn mạnh)

Bởi lẽ rằng nhân dân vẫn chưa thực sự là chủ thể của việc xây dựng và ban hành Hiến pháp, vẫn phải thông qua QH. Hơn nữa trong đoạn văn trên, nhân dân vẫn là chủ thể của việc thi hành Hiến pháp mà không phải là các cơ quan nhà nước.

Vậy, tôi đề xuất sửa: “Nhân dân Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, tự do và hạnh phúc cho chúng tôi và cho con cháu mai sau, thông qua QH xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này”.

 ____________

1. Xem, Hiến pháp Mỹ quốc 1787

2. Xem, Luật Hiến pháp của các nước tư bản, H 1994

Nguyễn Đăng Dung