“Mùa trong vườn” - cảm hứng từ nghệ thuật đồ họa

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:30 - Chia sẻ
Sáng tạo là hạnh phúc đối với mỗi nghệ sĩ. Đó cũng là con đường dẫn lối cho hai nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hò hẹn ở “Mùa trong vườn”. Một triển lãm đong đầy cảm hứng từ nghệ thuật đồ họa được khai mạc đúng ngày 1.1.2022 để khởi đầu cho một năm mới đầy hương sắc.
	Trăng - Khắc gỗ in độc bản của Trang Thanh Hiền
Trăng - Khắc gỗ in độc bản của Trang Thanh Hiền

Không dừng lại ở dự định ban đầu, qua ba lần bị hoãn bởi giãn cách xã hội do dịch Covid-19, dường như các bộ tranh đã dày lên đáng kể cho cuộc ra mắt công chúng. Mỗi tác phẩm như một lời tự sự, một dấu ấn sáng tạo, đa dạng mà nhất quán.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền là giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, sáng tác tranh trên chất liệu mực nho và giấy dó. Họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc là giảng viên Khoa Đồ họa, thực hành nghệ thuật với tranh khắc gỗ và in kẽm. Sự gặp gỡ của hai nữ nghệ sĩ trong triển lãm như mối duyên hội họa đặc biệt. Giữa họ, dường như có sự tiếp sức lẫn nhau, học hỏi, chia sẻ, đồng hành, cùng vỡ òa trong cảm xúc với nghệ thuật đồ họa tranh in. Ở đó, nỗ lực kiếm tìm của mỗi cá nhân từ các chất liệu, kỹ thuật như khắc gỗ, khắc cao su, in độc bản thể hiện tham vọng muốn vượt lên truyền thống tạo ra những sáng tạo bay bổng đầy chất thơ thấm đẫm cái tôi trữ tình của người làm nghệ thuật.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền mang đến triển lãm những tác phẩm lấy cảm hứng từ các loài hoa. Đây không phải lần đầu tiên sáng tác trên chất liệu khắc gỗ, nhưng trong thể nghiệm mới nhất này, chị có phần không theo trình tự cơ bản. Các tác phẩm đã nảy sinh những cách thức sáng tạo khác như in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa, mang tính gợi mở cho thực hành nghệ thuật tranh in vượt qua những lối mòn quy tắc.

	Mùa hoa nở 1 - Khắc cao su của Nguyễn Mỹ Ngọc
Mùa hoa nở 1 - Khắc cao su của Nguyễn Mỹ Ngọc

Trong nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ là một thể loại có truyền thống lâu đời ở Việt Nam như các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Việc sử dụng ván gỗ vốn là một phương tiện để tạo ra những tác phẩm giống nhau về hình thức, nhưng với nghệ thuật hiện đại và đương đại, tính độc bản của mỗi tác phẩm mới là điều quan trọng. Họa sĩ Trang Thanh Hiền cho rằng, lượng bản tranh in ra không quan trọng bằng số lượng bản hoàn thiện sau in thông qua những thể nghiệm đa dạng. Tranh bộ và tranh ghép với các chủ đề như sen, lá, thiền đã tạo nên một sắc thái khác trong triển lãm lần này, dường như truyền tải những xúc cảm vừa riêng biệt vừa thực vừa hư của họa sĩ qua những lần sáng tạo khác nhau.

Theo con đường đồ họa liên tục từ khi là sinh viên mỹ thuật, với nội lực mạnh mẽ, họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc đưa sự phóng túng, ngẫu hứng, mong làm mới nó, hướng đến tính cá biệt của mỗi tranh in ra. Sau nhiều thử nghiệm đi sâu vào các chất liệu tranh in truyền thống, dường như chị vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Khoảng 3 năm gần đây, chị chuyển hướng và tìm thấy cảm xúc thực sự với tranh khắc cao su kết hợp in độc bản. Cao su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành tranh in ngẫu hứng. Sự kết hợp đa kỹ thuật, chất liệu của chị cũng rất hợp xu hướng tranh in đương đại. Đặc biệt nó thỏa mãn sự đam mê với hình thể và chồng lớp dựa trên cảm hứng nhất thời, giàu tính trực họa của họa sĩ. Những tác phẩm của Mỹ Ngọc đậm chất tự sự với những ẩn ức, với những dịu êm, khắc khoải về cả thể xác lẫn tinh thần.

Mở cửa tự do từ 1.1 - 12.1.2022 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội, “Mùa trong vườn” là câu chuyện vừa riêng lại vừa chung của hai phụ nữ, hai tác giả, hai giảng viên. Tác phẩm của họ trong triển lãm dường như có chung quan điểm về thực hành nghệ thuật tranh in để tạo nên tính cá biệt, độc bản cho mỗi tác phẩm. Ở đó với cùng một bản khắc nhưng cách in ấn khác nhau qua mỗi thời điểm sáng tạo lại tạo nên những bất ngờ thú vị trong cảm xúc của nghệ sĩ.

“Mùa trong vườn” với tôi là một cảm hứng tràn trề, một nguồn năng lượng mới, cảm xúc mới để thoát ra những quen thuộc với mực nho và giấy dó, để tìm đến gỗ và dao khắc sau rất nhiều năm. Ban đầu khi mới trở lại tôi đã có không ít bỡ ngỡ, lúng túng giữa việc tạo nên âm bản hay dương bản, giữa hiệu quả nhìn thấy khi khắc cho đến hiệu quả khác hẳn khi tranh được in ra. Các nét khắc sắc lẹm của dao đặt trên gỗ như đem lại cho tôi một cảm xúc mạnh đến nỗi ban đầu chỉ định khắc một vài bức tranh nhằm thay đổi cảm hứng sáng tác, tôi như bị nghệ thuật đồ họa dẫn dụ vào mê cung của nó. Và để rồi hàng chục bản khắc, hàng trăm bức tranh đã ra đời như thế... Đôi lúc tôi nghĩ rằng, có lẽ không phải tôi tìm đến đồ họa, mà đồ họa hiện đại đã tìm tôi, giúp tôi hoàn thiện phần sáng tạo nằm trong khả năng khám phá nghệ thuật của bản thân từ sâu thẳm trái tim mình".

Họa sĩ Trang Thanh Hiền

“Mùa thay bao nhiêu lá là bấy nhiêu trạng thái thay đổi của người phụ nữ. Tôi đi tìm người phụ nữ đó như đi tìm tôi trong nghệ thuật đồ họa tranh in, một loại hình nghệ thuật vừa lý trí lại vừa giàu cảm xúc. Trong quá trình đó, đã có lúc tôi tưởng mình chi tiết đến sắc nhọn trong kỹ thuật khắc kẽm, nhưng rồi tôi lại thèm cái cảm giác mềm mại tự do của hội họa. Bởi vậy, thời gian gần đây khi cố gắng kết hợp các kỹ thuật đồ họa với nhau, mong muốn phá vỡ phần nào cảm giác cứng nhắc của các nét dao khắc, tôi đã cố gắng kết hợp kỹ thuật khắc cao su với kỹ thuật in độc bản cộng với vẽ đồ nét bằng tay, mong muốn tạo ra được nét mơ màng, phóng túng cho các bức tranh khắc của mình. Kết quả tuy chưa nhiều nhưng tôi nghĩ rằng đã tìm ra được phần nào người phụ nữ mà tôi hướng tới, mâu thuẫn nhưng thú vị”.

Họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc

 

Linh Hương