Một số tuyến đường huyết mạch chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 11:29 - Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng khắp cả nước tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, quyết tâm dập dịch bảo vệ an toàn, sức khoẻ cho nhân dân, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để giữ vững các chuỗi sản xuất hàng hoá không bị đứt gãy.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)
Ảnh: Quang Khánh

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt được nhiều kết quả khả quan như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối tỷ giá ổn định; tín dụng được phục hồi; thu ngân sách tăng với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng; sản xuất nông, thuỷ sản tăng khá... Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức tín nhiệm quốc tế nâng điểm, triển vọng nâng. Kết quả này cho thấy quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, trong 6 tháng cuối năm, diễn biến của dịch khó tiên đoán thời điểm kết thúc, trong khi đó doanh nghiệp của nước ta đa số là vừa và nhỏ, điều kiện để bảo đảm an toàn cho sản xuất là một thách thức. Một số chỉ tiêu của Quốc hội đề ra đạt thấp như chỉ tiêu tăng trưởng, giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, chiến lược vaccine của nước ta cũng gặp nhiều thử thách. Đây là những thách thức lớn đạt ra cho sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp trong trong 6 tháng còn lại của năm 2021, nhất là sự quyết tâm giữ và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp đã nêu trong báo cáo, cần có thêm các phương án cụ thể để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi có biến động, bất ổn trong môi trường sản xuất, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhiều rủi ro khác để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thống nhất với các chỉ tiêu trong kế hoạch đã đưa ra, thống nhất các nhóm giải pháp đã nêu trong quy hoạch. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, nhưng có những lĩnh vực có thể biến nguy thành cơ, tạo điều kiện phát triển thích hợp với từng thời điểm, thời cuộc như lĩnh vực công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp ưu tiên phát triển và nâng cao năng lực công nghệ 4.0, tạo hạ tầng số để phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Riêng với đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có nêu, tập trung đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đến hạ tầng giao thông, trong đó phải đạt 5.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số đoạn đường quan trọng nhằm bảo đảm kết nối giao thương, bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng, của khu vực lại chưa đưa vào kế hoạch. Do đó, cần đưa các dự án này vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Nếu nguồn lực chưa đủ đầu để bảo đảm tư kịp thời cả tuyến trong giai đoạn này thì có thể đưa vào kế hoạch đầu tư đoạn từ Hà Tiên đến Rạch Giá để kết nối vào cao tốc Rạch Sỏi - Lộ Tẻ và từ đó kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các tỉnh khu vực phía Tây đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị.

PV