Một giấy chứng nhận là đủ

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:36 - Chia sẻ
Theo quy định, một cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thủy sản tùy từng đối tượng có thể phải thực hiện từ hai giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trở lên như Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và Giấy chứng nhận hợp quy cơ sở đủ điều kiện.

Đơn cử, đối với trang trại chăn nuôi thương phẩm quy mô lớn phải được cấp 3 loại giấy: Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi bò, lợn, gia cầm theo quy mô trang trại.

Hay, đối với cơ sở nuôi trồng giống thủy sản: Cơ sở nuôi phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Điều 20, 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP (do cơ quan quản lý thủy sản thực hiện); đồng thời phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống (QCVN 01-81:2011/BNNPTNT, do cơ quan quản lý về thú y thực hiện kiểm tra cơ sở).

Bên cạnh những loại giấy chứng nhận có tính chất “mặc định” thì để đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp còn phải “gánh” một số loại giấy chứng nhận như: Cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, VietGAP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; Cơ sở thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)…

Thực tế cho thấy, các hình thức giấy chứng nhận đều có nội dung kiểm tra về quy trình sản xuất giống nhau (quy định kỹ thuật về địa điểm xây dựng; quy định về nguồn nước và chất lượng nước; quy định về cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình, trang thiết bị; quản lý con giống trong nuôi trồng…), nhưng thẩm quyền, cơ chế kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận khác nhau. Cứ thế liên quan đến lĩnh vực nào thì doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận của ngành đó.

Hệ quả là một cơ sở phải chịu nhiều đợt, đoàn kiểm tra, nhiều giấy chứng nhận mà còn bị áp dụng nhiều hình thức xử phạt khác nhau tương ứng với từng loại giấy chứng nhận theo quy định về xử lý vi phạm hành chính.

Từ thực tế trên, cần sớm rà soát, quy định thống nhất một giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo hướng một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ phải chịu một giấy chứng nhận. Để làm được điều này, cần pháp điển hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình sản xuất, về an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường áp dụng cho cùng một đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thì ban hành một quy chuẩn kỹ thuật chung; đồng thời, phân định rõ quy chuẩn kỹ thuật gắn với từng hình thức kiểm tra cấp giấy chứng nhận lần đầu và kiểm tra giám sát, duy trì cơ sở.

Nguyễn Minh