Mong manh mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU!

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:08 - Chia sẻ
Mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU (Khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) trong năm nay là rất khó khăn khi từ đầu năm đến nay vẫn xảy ra 32 vụ tàu đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài với tổng 56 tàu, 446 người vi phạm.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

“Quá chậm!”

Trong suốt 4 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” nhưng tốc độ quá chậm so với lộ trình đã vạch ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay xảy ra 32 vụ tàu đánh bắt trái phép với tổng 56 tàu, 446 người vi phạm. Tính từ 1.10.2019 đến 31.12.2020, các địa phương xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền phạt hơn 42 tỷ đồng liên quan đến hành vi khai thác IUU. Riêng năm 2020 xảy ra 50 vụ/90 tàu vi phạm bị bắt giữ, xử lý. 

Bên cạnh đó, số lượng tàu cá lớn (gần 95 nghìn chiếc) khiến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tàu cá và các đội tàu rất khó khăn do đội ngũ cán bộ, kinh phí, phương tiện quản lý của địa phương còn khá mỏng. Hiện nay, một số cảng cá đã thành lập các văn phòng thanh tra, kiểm tra tại cảng song lực lượng này cũng không thể kiểm soát 24/24 giờ tại cảng. Gần 1 triệu ngư dân lao động trực tiếp trên biển nhưng đa số theo nghề cá truyền thống, để chuyển qua nghề cá có trách nhiệm, bền vững cần có thời gian dài. Một vấn đề nữa là Luật Thủy sản đã có hiệu lực với 2 nghị định và 8 thông tư hướng dẫn nhưng các địa phương vẫn thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất.

Gỡ được hay không là do chúng ta!

Sắp tới Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam để tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. “Gỡ được thẻ vàng trong năm nay hay không phụ thuộc vào cách làm của chúng ta”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Một trong những điều kiện tiên quyết để được gỡ thẻ vàng là phải chấm dứt tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài. Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng cần phải khẩn trương điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, cần ưu tiên bố trí kinh phí và nguồn lực cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên định “Nói không với IUU”, từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, Quảng Bình cho biết tỉnh xác định bộ đội biên phòng là lực lượng mũi nhọn trong tuyên truyền về chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU và giữ gìn an ninh biển đảo. Theo đó, các đồn biên phòng tuyến biển đã chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho ngư dân, tổ chức cho 619 thuyền trưởng/chủ tàu ký cam kết không vi phạm quy định của IUU. Đồn Biên phòng Roòn (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động thành lập và duy trì 22 “Tổ tàu thuyền an toàn” với 245 tàu đánh cá tham gia. Các “Tổ tàu thuyền an toàn” đã trở thành nòng cốt trong việc vận động ngư dân và hạn chế cơ bản những vi phạm trên vùng biển.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình khẳng định, gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ then chốt được triển khai song song với các nhiệm vụ khác trong thời gian qua. Và nếu các lực lượng phối hợp tốt với nhau sẽ kiểm soát và ngăn chặn được tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.

Hạnh Nhung