Mòn mỏi chờ phụ cấp!

- Thứ Tư, 02/06/2021, 07:26 - Chia sẻ
Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Nghị định này cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, sau 10 năm văn bản này đi vào cuộc sống, đội ngũ pháp chế toàn quốc vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

Trong khi bị nợ chế độ phụ cấp, nhưng các tiêu chuẩn về người làm công tác pháp chế thì rất chặt. Cụ thể, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Theo phản ánh của hầu hết bộ, ngành, địa phương thì đây là quy định xa thực tế, khó áp dụng. Điều này làm cho công tác pháp chế rơi vào tình thế lưng chừng.

Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn nêu trên là khó thực hiện và không phù hợp thực tiễn ở địa phương, nhất là ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những cơ quan có tính chất chuyên ngành thì việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy không phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị nêu thực tế, qua 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế của các tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, dẫn đến sự khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là việc tuyển dụng, điều động, bố trí đội ngũ những người làm công tác pháp chế, trong đó, có việc bố trí người đứng đầu tổ chức pháp chế.

Hay, phản ánh từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy một vướng mắc khác xuất phát từ những quy định nêu trên: đến nay tỉnh không có phòng pháp chế theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định 55/2011 do biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không được bố trí thêm và tại các thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đều ban hành không có phòng pháp chế.

Tương tự tại tỉnh Bình Định, ở các sở chuyên môn như: Y tế, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng… thì việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy không phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể, bởi yêu cầu công việc của họ trước hết phải là tiêu chuẩn về lĩnh vực mình phụ trách.

Từ những vướng mắc này, đến nay việc kiện toàn đội ngũ pháp chế chỉ là mong muốn của ngành tư pháp; các địa phương không đáp ứng được. Thậm chí có địa phương chưa có sở, ngành nào thành lập Phòng Pháp chế (chỉ có Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Phòng Pháp chế), còn việc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách cũng chưa được thực hiện theo quy định.

Tất cả dẫn đến hậu quả là chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao còn hạn chế. Điển hình, trong công tác xây dựng văn bản, không ít cán bộ pháp chế chưa nắm được đầy đủ, chính xác quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là quy định về lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Từ thực tế này, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, bộ, ngành liên quan cần làm rõ việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn; tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ phụ trách công tác pháp chế. Đặc biệt, câu chuyện nợ văn bản - thực chất là nợ chế độ phụ cấp của 8.546 cán bộ, công chức làm công tác pháp chế (tính đến ngày 1.1.2020) - cần được làm rõ, trách nhiệm thuộc về bộ, ngành nào? Liệu, họ có được truy lĩnh chế độ?

Đình Khoa