Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 23/03/2023, 16:25 - Chia sẻ

Ngày 23.3, tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ Phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22.3), Ngày Khí tượng thế giới (23.3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu khai mạc lễ phát động, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, theo Báo cáo “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng... đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.

Chủ đề Ngày Nước thế giới là “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau” và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 là “Thời khắc quan trọng cho Trái đất”.

Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để bảo đảm các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững.

Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất. Áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng. Đặc biệt quan tâm giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới "Công nghệ 4.0"; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa, từ sớm, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, phục vụ hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, để thiết thực hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tất cả người dân cùng hành động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 25.3.2023 trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Quách Tất Liêm đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh hãy chung tay cùng cộng đồng, bằng những hành động thiết thực của mình như: "Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng xanh - sạch - đẹp - văn minh và hiện đại".

Đại diện thường trú chương trình phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), bà Ramla Khalidi khẳng định UNDP cam kết tiếp tục hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và các đối tác phát triển để thúc đẩy và triển khai các hành động cần thiết, góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng, không bỏ lại ai phía sau.

Sau lễ phát động đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của khí tượng thủy văn, tài nguyên nước trong thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển đất nước". Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn GS.TS Trần Hồng Thái cho rằng trong bối cảnh này, những cán bộ của ngành KTTV cùng với các cán bộ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, cũng như truyền thông vẫn đang tiếp tục miệt mài cống hiến công sức của mình để góp phần vào công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đây là niềm vui to lớn của tất cả các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành KTTV, lĩnh vực biến đổi khí hậu, tài nguyên nước nói riêng và của toàn ngành tài nguyên và môi trường nói chung.

Tin và ảnh Nhật Anh