Diễn đàn ngày Quốc tế về rừng với thông điệp “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”

- Thứ Bảy, 25/03/2023, 15:04 - Chia sẻ

Diễn đàn ngày Quốc tế về rừng với thông điệp “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh” đã được Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cùng Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) và Trường Đại học Lâm nghiệp đồng tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, dù tiếp cận ở góc độ nào cũng luôn thấy được tầm quan trọng của rừng. Rừng là ngôi nhà của hầu hết các sinh vật trên cạn và dưới góc độ khoa học thì rừng chính là nguồn thức ăn, nơi cư trú của rất nhiều giống loài sinh vật. Từ đó ta thấy giá trị cốt lõi của rừng rất lớn.

GS. TS Phạm Văn Điển nêu quan điểm: “thông điệp của ngày Quốc tế về rừng năm 2023 gợi suy cho chúng ta những ý tưởng, giải pháp để phục hồi, cải tạo và sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên xanh. Nhưng để rừng có thể phát huy khả năng tự tái tạo thì chúng ta cần phải tạo ra những điều kiện để những khu rừng xanh tươi. Và khi khu rừng xanh tươi thì cũng sẽ mang lại giá trị cho con người”.

Theo ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, năm nay, chủ đề ngày Quốc tế về rừng là 'Rừng khỏe mạnh để Con người khỏe mạnh', đây là cách mở rộng về cách tiếp cận toàn diện đối với Sức khỏe, nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa hạnh phúc của con người và Sức khỏe của các hệ sinh thái Rừng quý giá. Các hoạt động lâm nghiệp không bền vững sẽ dẫn đến suy thoái rừng, suy thoái môi trường, góp phần gây biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới. Sức khỏe của rừng là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Sẽ không thể có được một nền kinh tế khỏe trên một hành tinh không khỏe.

Ông Nguyễn Song Hà cũng chỉ ra 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng và phục hồi môi trường bao gồm: chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có; phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp; và sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh.

Cụ thể hơn, đại diện FAO chỉ rõ, việc chấm dứt nạn chặt phá rừng và duy trì diện tích rừng hiện có có thể tránh thải ra 3,6 ± 2 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm trong giai đoạn 2020 đến 2050, trong đó đã bao gồm khoảng 14% lượng cần thiết cho đến năm 2030 để giữ cho mức nóng lên toàn cầu không tới 1,5 °C, đồng thời bảo vệ hơn một nửa đa dạng sinh học trên cạn của Trái đất. 1,5 tỷ ha đất bị thoái hóa sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi và việc tăng độ che phủ của cây có thể thúc đẩy năng suất nông nghiệp trên 1 tỷ ha khác. Khôi phục rừng và đất lâm nghiệp bị suy thoái thông qua trồng rừng và tái trồng rừng có thể giảm 0,9–1,5 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm ra khỏi bầu khí quyển một cách hiệu quả trong giai đoạn 2020-2050. Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai – với mức tiêu thụ toàn cầu đối với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ 92 tỷ tấn năm 2017 lên 190 tỷ tấn vào năm 2060, giúp củng cố nền kinh tế một cách bền vững.

Còn theo ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam luôn là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ông Phạm Hồng Lượng cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc đưa ra những cam kết mạnh mẽ, Việt Nam đã hành động thiết thực để quản lý bảo vệ, phát huy giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

“Với vai trò là cơ quan quản lý về lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và đang trình phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, ông Phạm Hồng Lượng chia sẻ.

Về những hành động cụ thể, đại diện FAO cho biết, trong những năm qua, FAO đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy ngành lâm nghiệp lành mạnh và bền vững. “Chúng tôi cam kết giữ vai trò đối tác lâu dài của Chính phủ Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ vì những Khu rừng Khỏe mạnh ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Song Hà khẳng định.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã được lắng nghe các bài trình bày và cùng thảo luận về các chủ đề liên quan đến Hội nhập quốc tế trong lâm nghiệp, mô hình tăng trưởng xanh, lành mạnh trong ngành lâm nghiệp Việt Nam, nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người và những đóng góp của FAO trong việc làm giảm thiểu nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm mới nổi và cuối cùng là các cơ hội và thách thức để bảo tồn và sử dụng bền vững thực vật rừng, nấm và côn trùng.

Bảo Ngân
#