Mở rộng cơ hội đọc sách và tiếp cận thông tin

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 05:26 - Chia sẻ
Sự tham gia tích cực của các cá nhân, tập thể trong việc chia sẻ, lan tỏa tình yêu sách, phương pháp đọc sách trong các không gian đọc sách, thư viện tư nhân đã mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, góp phần triển khai hiệu quả Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thư viện tư nhân đóng góp tích cực vào sự phát triển của mạng lưới thư viện chung
Nguồn: TVDL

Không gian thân thiện, thu hút độc giả

Hơn 6 năm nay, Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ, chàng trai người Thái Bình bị liệt toàn thân bẩm sinh, luôn có đông độc giả đến mượn và đọc sách. Do thời gian mở kéo dài không kể ngày nghỉ, Không gian đọc Hy vọng giúp các độc giả yêu thích sách thoải mái giao lưu trong không khí gia đình. Đỗ Hà Cừ cho biết, hồi đầu thành lập, Không gian đọc chỉ có khoảng 300 đầu sách. Sau một thời gian vận động, số sách tại đây đã lên tới trên 4.000 cuốn. “Từ khi thành lập đến nay, lượng độc giả đăng ký mượn thường xuyên hiện là 600 người, và đã có trên 6.000 lượt mượn đọc”.  

Nhằm phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn, Phòng đọc sách Hoàng Kim, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, thành lập năm 2018 do 3 cô giáo là 3 chị em tâm huyết xây dựng. Phòng đọc hiện có hơn 800 cuốn sách, chủ yếu là sách thiếu nhi, sách quà tặng cuộc sống, sách hạt giống tâm hồn, sách văn học và Phật pháp. Những ngày không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phòng đọc mở cửa các ngày trong tuần với mong muốn mang sách gần hơn đến các em học sinh và cư dân trong xã. Trung bình phòng đọc phục vụ hơn 200 lượt bạn đọc/tháng.

Cũng phát triển theo loại hình thư viện tư nhân song ở quy mô lớn hơn, Thư viện Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã trải qua gần 9 năm xây dựng và phát triển, thu hút 2.600 người làm thẻ đọc. Thư viện có trên 8.000 đầu sách, trong đó nhiều đầu sách do các nhà hảo tâm, hoặc do chính các bạn nhỏ trong xã quyên tặng. Với 70 tình nguyện viên, hầu hết là học sinh, sinh viên hỗ trợ, Thư viện đã tổ chức được nhiều hoạt động cộng đồng và được Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá là một trong những thư viện tư nhân hoạt động hiệu quả ở quy mô toàn quốc…

Hiện cả nước có khoảng 160 không gian đọc tư nhân đang phát huy vai trò giúp cộng đồng được tiếp cận thông tin, tri thức một cách dễ dàng và thuận tiện. Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ một bộ phận người đọc thích đến thư viện tư nhân do các không gian này rất thân thiện, nằm trong địa bàn dân cư; ở một số thư viện, thủ thư không quá khắt khe về các quy định, điều khoản tham gia đăng ký mượn, đọc. Đây là những yếu tố để duy trì, nhân rộng các mô hình này trong cộng đồng. 

Hỗ trợ tích cực hệ thống thư viện công cộng

Có thể khẳng định, hệ thống thư viện tư nhân mặc dù thành lập với quy mô nhỏ nhưng đã góp phần quan trọng trong việc hướng dẫn người đọc nghiên cứu học tập và giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Theo anh Phùng Bá Hưng, chủ Thư viện Dương Liễu, thời gian đầu, nhóm thành lập thư viện khá vất vả khi phải huy động đủ đầu sách tối thiểu, các thủ tục, điều kiện hạ tầng bảo đảm việc bảo quản tài nguyên thông tin... Tuy nhiên, sau khi có Luật Thư viện 2019 và Nghị định 93/2020/NĐ-CP, Thư viện Dương Liễu thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn sách từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ từ Thư viện Hà Nội và các đơn vị xuất bản, phát hành sách.

"Vừa qua, chúng tôi nhận được khoảng 300 đầu sách mới thuộc nhiều lĩnh vực từ chương trình hỗ trợ sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bổ sung, làm phong phú thêm tủ sách. Hơn nữa, việc được tham gia các lớp tập huấn, giao lưu cả trực tiếp và trực tuyến thời gian qua giúp các thành viên, cộng tác viên thư viện tư nhân nói chung có thêm kinh nghiệm phục vụ người đọc hiệu quả hơn", anh Phùng Bá Hưng cho biết.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cho rằng, sự hiện diện của các tủ sách trong cộng đồng, sự tận tâm của người lập và quản lý tủ sách đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình thúc đẩy thói quen đọc ở mỗi cá nhân và văn hóa đọc trên quy mô toàn xã hội. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc khuyến khích các thành viên xã hội làm tủ sách, khuyến khích hoạt động của các tủ sách trong địa bàn dân cư, cần tổ chức thêm nhiều chương trình có sự tham gia của các đơn vị kinh doanh, xuất bản sách nhằm huy động hơn nữa sự hỗ trợ nguồn sách.

Để thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động thư viện tư nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà kiến nghị, cần nghiên cứu ban hành các văn bản pháp quy về thư viện tư nhân để các nhà hảo tâm và các chủ thư viện có thể được ghi nhận và duy trì thời gian dài. “Thực tiễn cho thấy, công tác xã hội hóa hoạt động thư viện và xây dựng thư viện tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mạng lưới thư viện chung. Xu hướng này rất phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đồng thời hỗ trợ hệ thống thư viện công cộng đáp ứng nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở”.

Hồng Hà