Mở đường cho bảo hiểm vi mô

- Thứ Năm, 28/10/2021, 21:23 - Chia sẻ
Bảo hiểm vi mô được quy định tại Chương 4, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng.
Tài chính vi mô đã hỗ trợ nhiều phụ nữ thoát nghèo
Tài chính vi mô đã hỗ trợ nhiều phụ nữ thoát nghèo

Không triển khai được sản phẩm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện Bộ đã phê chuẩn cho một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm mang tính chất bảo hiểm vi mô hướng tới đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp, quyền lợi bảo vệ cơ bản và mức phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm nhỏ. Chẳng hạn, sản phẩm của Manulife dành cho hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ từ 20 - 50 tuổi thu nhập thấp, không ổn định, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp…

Bên cạnh các doanh nghiệp bảo hiểm, trong thời gian qua, Chính phủ đã cho phép 2 tổ chức là Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng - CFRC (trực thuộc Trung ương Hội khuyến học Việt Nam) và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô với tính chất tương hỗ, hỗ trợ giữa các thành viên vay vốn trong cùng tổ chức.

Tuy nhiên, do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng đối với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về tài chính, các yêu cầu về quy trình phân phối sản phẩm, các quy định đối với đại lý phân phối sản phẩm tương tự như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô, việc lựa chọn mô hình phân phối phù hợp để tiếp cận được đối tượng khách hàng có thu nhập thấp còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, dù đã được phê chuẩn sản phẩm, song đến nay mới chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn Manulife Việt Nam đưa vào triển khai trên thực tế sản phẩm bảo hiểm vi mô, còn các công ty như Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai ichi và Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential vẫn chưa triển khai sản phẩm.

Còn đối với các sản phẩm do Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cũng chưa phát triển đầy đủ các sản phẩm đã được cho phép. Đại diện Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, theo công văn số 10418/BTC-QLBH ngày 29.7.2014 của Bộ Tài chính, Quỹ bảo hiểm vi mô của Hội liên hiệp Phụ nữ được phép triển khai 4 sản phẩm bao gồm: Sản phẩm bảo hiểm tương trợ y tế; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ nhân thọ; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ tuổi già; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay. Tuy nhiên trong giai đoạn thí điểm từ 6.2016 đến nay, Quỹ chỉ triển khai Sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay.

Điều 114, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định: Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra.

Tăng khả năng tiếp cận

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô tại các nước khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 10% dân số và tại các nước Nam Mỹ là 7 - 15% dân số. Tại Việt Nam, với hơn 6,4% dân số là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính vì thế, việc bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô là cần thiết góp phần hỗ trợ những hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế được tiếp cận dịch vụ bảo hiểm với mức chi phí phù hợp với khả năng tài chính. Từ đó giúp họ vươn lên trong cuộc sống, yên tâm hơn khi phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc sống hàng ngày.

Tại Chương 4, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã đưa ra định nghĩa về bảo hiểm vi mô, các điểm đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô và cho phép 2 tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô là “doanh nghiệp bảo hiểm” và “tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô”. Đây là hai tổ chức phổ biến nhất cung cấp bảo hiểm vi mô trên thế giới. Doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng. Còn đối với tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, do tính đặc thù chỉ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, giới hạn cho các thành viên, sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn, để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ của mô hình.

Dự thảo Luật được xây dựng trên nguyên tắc các tổ chức đáp ứng điều kiện sẽ được triển khai bảo hiểm vi mô nhằm khuyến khích sự tham gia không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm mà cả các tổ chức khác vào việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô, đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, người thu nhập thấp.

Phạm Hải