Lào đón khách du lịch nước ngoài từ ngày 1.1.2022:

Mở cửa hy vọng

- Thứ Tư, 22/12/2021, 07:03 - Chia sẻ
Lào đã công bố kế hoạch mở lại một phần biên giới cho du khách nước ngoài vào ngày 1.1.2022, bất chấp lo ngại biến thể Omicron có nguy cơ gây ra làn sóng lây nhiễm mới trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Lào đã đóng cửa với khách du lịch nước ngoài trong hơn 18 tháng, nhưng đang tiến hành mở cửa hạn chế để vực dậy ngành du lịch quan trọng của nước này.
Lào khai trương tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung ngày 3.12 - Tân Hoa Xã
Lào khai trương tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung ngày 3.12 
Nguồn: Tân Hoa Xã

18 tháng thiệt hại

Các phương tiện truyền thông Nhà nước Lào đưa tin, Chính phủ nước này quyết định mở cửa biên giới cho khách du lịch bắt đầu từ năm tới. Theo đó, những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ trong các tour đặt trước sẽ có thể nhập cảnh vào nước này từ ngày 1.1.2022 và thăm ba điểm đến: Thủ đô Vientiane, cửa ngõ du lịch sinh thái Vang Vieng và Luang Prabang - cố đô đẹp như tranh vẽ ở phía Bắc của đất nước. Các điểm đến tiếp theo sẽ được mở vào tháng 4 và tháng 7 năm sau khi tỷ lệ tiêm chủng ở Lào tăng lên.

Ban đầu, Lào sẽ chỉ cho phép du khách đến từ 17 quốc gia, chiếm phần lớn lượng khách du lịch đến nước này thời điểm trước đại dịch, bao gồm các quốc gia ở Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong số đó, thị trường du lịch quan trọng nhất là Trung Quốc, quốc gia đã tạo ra một lượng lớn khách quốc tế đến Lào trong thập kỷ qua. Hơn 1 triệu công dân Trung Quốc đã đến thăm Lào vào năm 2019, chiếm hơn 20% tổng số du khách trong năm đó.

Thiệt hại từ nguồn thu du lịch đã tàn phá nền kinh tế Lào. Năm 2019, năm cuối cùng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Lào đã đón 4,79 triệu lượt khách du lịch, (theo Tổ chức Du lịch Thế giới), con số đã giúp tạo ra 934,7 triệu USD ngoại hối cho thu ngân sách của Lào. Nhưng số lượng du khách quốc tế đã giảm xuống chỉ còn 894.776 vào năm 2020.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Lào đình trệ vào năm 2020 với mức GDP giảm 0,4%. Hy vọng về sự phục hồi trong năm đã phần nào bị dập tắt sau khi Lào chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày bắt đầu tăng đều đặn vào giữa năm, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.702 ca nhiễm/ngày được xác nhận vào đầu tháng này.

Đóng cửa biên giới kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt kinh tế đối với Lào, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối vốn khiêm tốn của nước này và Lào đến bờ vực vỡ nợ. Vào tháng 9 năm ngoái, do áp lực nợ nần ngày càng gia tăng, Lào thông báo đã nhượng lại phần lớn quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho một công ty nhà nước của Trung Quốc. Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Bounchon Oubonpaseuth đã nói với Quốc hội nước này rằng Chính phủ đang cần gấp 18,7 nghìn tỷ kip (1,8 tỷ USD) để giải quyết thâm hụt tài khóa dự kiến ​​và trả các khoản vay trong nước và nước ngoài vào cuối năm.

Một phần đáng kể của khoản nợ bắt nguồn từ dự án Đường sắt Lào - Trung trị giá 5,9 tỷ USD do Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công, một kỳ công về kỹ thuật được khánh thành vào ngày 3.12 sau 6 năm xây dựng. Chính phủ Lào đã vay khoảng 1,54 tỷ USD từ ngân hàng Eximbank của Trung Quốc để trả cho dự án, làm tăng thêm đáng kể căng thẳng nợ của nước này. Một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2019 bởi Viện Lowy ở Sydney ước tính khoản nợ của Lào đối với Trung Quốc chiếm tới 45% GDP.

Kỳ vọng vào tuyến đường sắt Lào - Trung

Tuy nhiên, tuyến đường sắt mới, cắt theo hướng Bắc qua địa hình đồi núi hiểm trở từ Thủ đô Vientiane nối với Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cũng được đánh giá là công trình có thể giúp Lào thoát khỏi tình trạng tụt dốc do đại dịch gây ra.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng bất chấp những lo ngại về Covid-19, Trung Quốc dự đoán sẽ có hơn 1 triệu lượt hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào trong dịp Tết Nguyên đán tới. Kể từ khi khai trương, hơn 300.000 hành khách đã đi trên tuyến giữa Côn Minh và biên giới Lào.

Báo chí Trung Quốc cũng đã quảng bá, tuyến đường sắt này sẽ giúp du khách Trung Quốc tiếp cận trực tiếp cả ba điểm đến du lịch của Lào trong giai đoạn mở cửa đầu tiên của đất nước, như một cách khởi động du lịch của Lào. Một bài báo gần đây trên tờ China Daily đã dẫn lời một chủ khách sạn người Trung Quốc ở Lào cho biết: “Đường sắt Lào - Trung sẽ là một động lực cho du lịch của Lào trong năm tới, vì nhiều khách du lịch coi sự thuận tiện và an toàn là yếu tố then chốt”.

Chính phủ Lào dường như cũng ấp ủ những hy vọng tương tự. Người dân sống ở 5 tỉnh của Lào dọc theo đường sắt Lào - Trung hiện đang được tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước khi nước này mở cửa trở lại vào ngày 1.1 tới.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuyến đường sắt cao tốc này có thể giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030. Thời gian di chuyển bằng tàu từ Vientiane tới thị trấn Boten giáp biên giới Trung Quốc chỉ còn 4 tiếng, so với 15 tiếng nếu đi bằng ô tô. Tại Boten, nó sẽ kết nối với tuyến đường sắt dài 595km tới thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Còn ở Vientiane, đoàn tàu sẽ kết nối với một phần tuyến đường sắt Thái Lan, đi thẳng tới thủ đô Bangkok qua Nakhon Ratchasima. Với khả năng mở rộng kết nối như vậy, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung khiến không ít nhà kinh tế cảm thấy phấn khích, mở ra hy vọng về một tương lai phát triển rực rỡ cho đất nước Triệu Voi.

"Tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến", Valy Vetsapong, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI), ngày 18.10 cho biết. "Nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ chuyển sang xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là nông sản, do đường sắt giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc".

Còn ông Duangmala Phommavong, Giám đốc điều hành của Exo Travel Lào, người nằm trong hội đồng quản trị của LNCCI, nói với South China Morning Post vào tháng 7 rằng tuyến đường sắt chưa hoàn thiện khi đó “mang đến cho du khách một lựa chọn giao thông nhanh chóng, không tốn kém để khám phá Bắc Lào… Ngành Du lịch háo hức chờ đợi ngày khai trương”.

Tất nhiên, phần lớn phụ thuộc vào việc liệu khách Trung Quốc có sẵn lòng hay không. Trong khi các điểm nóng du lịch trên khắp Đông Nam Á đang dần mở cửa trở lại, thì sự phục hồi vẫn còn chậm chạp. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc đến chậm hơn nhiều so với dự kiến ​​hoặc hy vọng một phần lớn là do chính sách nghiêm ngặt “zero Covid-19” của Bắc Kinh. Cho đến nay, Trung Quốc đã áp đặt rất nhiều hạn chế đối với công dân của mình đi du lịch nước ngoài - bao gồm cả lệnh cách ly 14 ngày khi họ trở về, điều đã gây ra những e ngại tâm lý rất lớn đối với ý định du lịch của người dân.

Đạt Quốc