Sổ tay

Mở cho doanh nghiệp, tiện cho quản lý

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 07:01 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã sửa đổi quy định về ký quỹ theo hướng giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế). Đề xuất này dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành và các doanh nghiệp muốn gia nhập vào thị trường này.

Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế cũng như du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện. Doanh thu du lịch lữ hành giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực du lịch giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng tại Tờ trình Dự thảo, Ban soạn thảo cũng nêu thực tế, có đến 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn lại thì hoạt động cầm chừng và rất khó khăn nhất là khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố cả nước, các biện pháp phòng chống dịch khiến cho hoạt động du lịch khó triển khai, thậm chí là không thể hoạt động. Trong bối cảnh như vậy, việc được rút số tiền ký quỹ sẽ góp phần làm giảm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi quy định về ký quỹ theo hướng giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế). Tuy nhiên, để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng: Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ. Đồng thời để vừa bảo đảm quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo cần quy định rõ trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Chẳng hạn, doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, văn bản này sẽ là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp. Khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và thực hiện hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy được sự thuận tiện khi thiết kế quy định về tạm ngừng kinh doanh, bởi vừa cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong thời gian không hoạt động, vừa không phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép khi quay trở lại hoạt động, cơ quan nhà nước cũng có thể kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc công khai thông tin doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Liên quan đến doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, Dự thảo mới chỉ quy định về mức ký quỹ mới nhưng không sửa các quy định có liên quan khiến cho việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn. Đơn cử, việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại Dự thảo thì các doanh nghiệp hiện tại đang ký quỹ theo mức của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch, có được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Quy định này phải cho phép áp dụng đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ. Vì vậy, Dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các doanh nghiệp có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng. Hiện, Điều 16 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp này.

Phạm Hải