Đại biểu quốc hội HÀ SỸ ĐỒNG (Quảng Trị):

Minh bạch hơn trong giải ngân đầu tư công

- Thứ Tư, 28/07/2021, 15:59 - Chia sẻ
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, địa phương mong muốn được Chính phủ phân cấp phân quyền mạnh hơn, đi kèm tự quyết định – tự chịu trách nhiệm để huy động nguồn lực, giải ngân đúng tiến độ, tăng sự chủ động và đưa đầu tư công vào phục vụ nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

- Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước 6 tháng đầu năm 2021?

Tôi đã tham gia nhiệm kỳ thứ 3 Quốc hội nhưng chưa có nhiệm kỳ nào và ngay Kỳ họp thứ Nhất đã tiếp cận những báo cáo, kế hoạch ẩn chứa nhiều khó khăn và thách thức đến vậy. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã "bào mòn sức khỏe" của doanh nghiệp và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đều giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động laị tăng. Nhìn rộng ra, do tác động của dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 trở nên kém lạc quan. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, còn vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận hội trường
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận hội trường

Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có thể ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6,5% năm nay. Theo đó, CPI bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2 đến 2,5%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Tôi cho rằng đối với bối cảnh đặc điểm hiện nay, ngay từ Kỳ họp Quốc hội thứ Hai có thể dùng một tuần để sửa các quy định đang gây khó khăn cho công việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, điều đó cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với sự vào cuộc của tất cả các đại biểu Quốc hội chứ không phải chỉ riêng Chính phủ.

-Dường nhu câu chuyện hấp thụ vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp những lúng túng ở địa phương?

-Giải ngân đầu tư công năm có những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến tỷ lệ thấp hơn so với kế hoạch. 6 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt trên 780 nghìn tỷ đồng nhưng nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng tới đây khi lần này dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở một số địa phương trọng điểm kinh tế. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải khó khăn lớn là dịch bùng phát, nhiều dự án bao gồm các dự án gắn với yếu tố nước ngoài bị đình trệ, không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán. Bên cạnh đó là giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu và nghiệm thu thanh toán.

Một nguyên nhân đang hiện hữu trên tất cả mọi địa phương, dẫn đến công tác giải ngân chậm là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đây vẫn là điểm nghẽn trong công tác thu hút đầu tư nói chung, thu hút đầu tư nguồn vốn nước ngoài hiện nay. Như Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhìn nhận là hệ thống thể chế, các luật, văn bản dưới luật còn chồng chéo, chồng lấn, thậm chí xung đột nhau khiến địa phương lúng túng trong thực hiện. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Trước kỳ họp này, các địa phương đã tiến hành rà soát tình hình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tiến hành tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư kinh doanh trên địa bàn các địa phương theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Địa phương mong muốn được Chính phủ phân cấp phân quyền mạnh hơn, đi kèm tự quyết định – tự chịu trách nhiệm để huy động nguồn lực, giải ngân đúng tiến độ, tăng sự chủ động và đưa đầu tư công vào phục vụ nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Đối với vốn FDI, cơ chế, yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài để đáp ứng giải ngân ngày càng cao. Thứ hai là câu chuyện vốn đối ứng của các địa phương trong điều kiện thu ngân sách hiện nay là vô khó khăn. Ở góc độ địa phương, trong thời gian tới rất mong Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, hướng dẫn và sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp để tạo sự thông thoáng, dễ thực hiện, đồng bộ và hỗ trợ cho địa phương dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư, tiếp cận vốn.

Khu công nghiệp Quảng Trị đang được gấp rút hoàn thành
Khu công nghiệp Quảng Trị đang được gấp rút hoàn thành

 -Tiến trình cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đang có dấu hiệu chững lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương rất đúng đắn, có thể huy động được nguồn lực của xã hội. Thời gian vừa qua tiến độ có chậm lại do một số chính sách, hướng dẫn và sự đôn đốc, giám sát dẫn đến tốc độ cổ phần hóa chưa thật như mong muốn. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ quyết liệt, mạnh mẽ hơn, tăng cường công tác giám sát, có chế tài đủ mạnh để xử lý người chịu trách nhiêm để xảy ra tình trạng chậm trễ. Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang chiếm dụng, sử dụng nguồn lực đất đai, nhân lực của nhà nước và không phát huy được hiệu quả, khơi thông nguồn thu cho đất nước.

Xung đột, chồng lấn giữa các luật, quy định thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên cần cải cách mạnh mẽ về thể chế. Việc phân cấp, phân quyền đã triển khai nhưng còn lúng túng. Mặt khác, công tác chuẩn bị của các địa phương cũng chưa được chu đáo, dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân, khiến nguồn lực tài chính quốc gia chưa được tiết kiệm triệt để.

Đề nghị Chính phủ có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn để nguồn tài chính giao cho bộ, ngành cũng như địa phương một cách linh hoạt và phù hợp với từng vùng. Hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn khắc phục thiên tai bão lũ, các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để đạt hiệu quả như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Xin cám ơn ông !

Nam Anh