Tản mạn

"Màu cỏ úa"

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:21 - Chia sẻ
Phải là một người yêu âm nhạc Trần Tiến lắm mới làm được một bộ phim tài liệu chân dung, ít dụng công mà lại đúng tinh thần của ông đến thế!

Trần Tiến là một chân dung âm nhạc quá đặc sắc, một cá tính không thể trộn lẫn, một người kể chuyện đời bằng âm nhạc khó có người thay thế. Tự thân ông đã là một câu chuyện quá hay rồi. 

Bộ phim tài liệu "Màu cỏ úa" của nữ đạo diễn trẻ Lan Nguyên - vì thế - dù không quá dụng công, cũng không có nhiều chất điện ảnh nổi trội, vẫn cuốn người xem theo con người âm nhạc của Trần Tiến ở ngoài đời. 

Điều đặc biệt nhất ở bộ phim này có lẽ là tình yêu quá lớn của nữ đạo diễn dành cho nhạc sĩ tuổi cha chú, như cách cô đặt những câu hỏi rụt rè hoặc yêu cầu ông làm những điều như fan cuồng dành cho thần tượng chứ không phải của một đạo diễn đang kể câu chuyện nhân vật của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Có lẽ vì thế mà nó đáng yêu, đáng mến. Có lẽ vì thế mà góc máy của cô cứ lặng lẽ bám theo sau nhạc sĩ tài hoa này, lặng lẽ để nhân vật tự vẽ nên câu chuyện của riêng mình mà không cần phải sắp đặt, dàn dựng. Có lẽ vì thế mà một số cảnh quay tư liệu được đưa vào phim có chất lượng khá tệ của một thời quay phim bằng băng video và lưu trữ tệ hại, vẫn gây xúc động như ký ức của những năm giao thời của thập niên 90 tràn về. 

Trong những cảnh phim đen trắng, tôi thích nhất là những hình ảnh Trần Tiến với bạn bè của mình. Cách ông say sưa ca hát với người bạn nhạc sĩ cùng thế hệ như Nguyễn Cường hay thế hệ sau như Lê Minh Sơn, Tấn Minh ở một quán bia hơi vỉa hè ở Hà Nội thật đáng yêu và đúng chất của nghệ sĩ Hà Nội. Cách ông tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm 50 năm sáng tác giản dị nhất có thể ở một nơi nào đó trên vùng cao khiến ta thấy âm nhạc của ông không phân biệt sang hèn và bất cứ ai cũng hát được...

Âm nhạc của Trần Tiến luôn vang lên ở những nơi như thế, rất đời, rất gần gũi và tránh xa mọi kinh viện, hàn lâm của nhà hát. Âm nhạc của ông là những tiếng hát được cất lên từ đời sống, từ những chuyến du ca khắp nơi chốn Việt Nam, từ những dấu ấn Hà Nội không thể nào quên, từ quê hương có dáng mẹ hiền, từ những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn tràn ngập sự lạc quan, từ những ký ức tươi đẹp đã biến mất vĩnh viễn theo mùa chim én bay…

Và đặc biệt là thích cách ông kể chuyện đời vừa duyên dáng vừa đậm chất triết lý. Đó là triết lý của kẻ đã sống, đã trải qua bao thăng trầm của đời sống, của kẻ đã chịu nhiều mất mát, cô đơn. Chỉ một người có tâm thế nhẹ nhàng vị tha và đã được kết tinh từ một thứ triết lý sống trung dung với đời, mới nhìn lại những bức bối của thời cuộc với cái nhìn hài hước, hóm hỉnh và đáng yêu đến thế...

Bộ phim cứ thế dẫn dắt ta đi trong những tiếng cười hồn hậu và những giọt nước mắt chân tình. Phải là một người yêu âm nhạc Trần Tiến lắm mới làm được một bộ phim tài liệu chân dung, ít dụng công mà lại đúng tinh thần của ông đến thế!

Bảo Khánh