Tinh thần Việt Nam đương đại
Triển lãm Địa tầng số 0 đang diễn ra tại trung tâm nghệ thuật The Outpost, Hà Nội. Tác phẩm của 12 nghệ sĩ, được nhìn nhận, soi chiếu, đã phơi lộ một mặt cắt đa tầng về dòng chảy của nghệ thuật Việt. Các sáng tác thể hiện nỗ lực tái cấu trúc chất liệu, giữ gìn bản sắc và triết lý Á Đông, cũng như nhìn sâu vào lịch sử cá nhân và tầng nấc. Theo Giám đốc sáng lập The Outpost Ariel Phạm: “Ở đây địa tầng không chỉ là yếu tố địa lý mà còn là điểm khởi đầu của một chuyến du hành. Từ Địa tầng số 0 chúng ta sẽ khám phá ra các địa tầng khác, phác nên một cấu trúc tổng thể chính là tinh thần của Việt Nam đương đại”.
Ở đó, nghệ sĩ dẫn dắt người xem vào không gian từ nội tâm mở ra quang cảnh xã hội, từ câu chuyện cá nhân phóng chiếu chiều kích lịch sử và văn hóa. Như tác phẩm sắp đặt trên giấy dó Bài tập luyện cảm xúc của Nguyễn Huy An lưu lại nét vẽ, chữ viết bằng tay, ghi lại cuộc dạo chơi qua các không gian, thời gian, biểu tượng của đồng bằng Bắc Bộ nơi nghệ sĩ sinh ra và lớn lên. Mỗi dòng chữ mô tả một hành vi, bắt đầu bằng động từ, kết thúc bằng tính từ, gối nhau đều đặn, tạo nên nhịp. Các hành vi tưởng như mơ hồ nhưng đều là một cái nhìn sâu vào tâm thức của cả một dải văn hóa đang mai một.
Hay Trương Công Tùng kể câu chuyện Ụ đất tha hương, nói về những biến thiên của thời gian và sự thay đổi. Phi Phi Oanh lại mượn những Hộp đen để tái hiện quang cảnh quen thuộc như trăng xuyên qua tán lá trong đêm, loa phát thanh treo trên cột điện, quả dưa hấu rơi xuống sàn… Cô chia sẻ, đó là cuộc dạo chơi trong ký ức của những hình ảnh sáo cũ lặp đi lặp lại, thường bị chìm khuất trong đời sống thường nhật. Song qua thời gian, chính những mảnh lẻ ấy đã tạo nên kết cấu cho ấn tượng tập thể về một trải nghiệm, một nơi chốn, một nền văn hóa, một quãng đời…
Ở góc nhìn khác, Phan Thảo Nguyên kéo người xem vào khoảng không gian Giấc trưa nhiệt đới với sắp đặt video hai kênh. Hai màn hình đồng hiện như nối dài không gian của hội họa, mở ra những diễn cảnh ở ranh giới giữa lịch sử và hư cấu. Hình ảnh ẩn dụ và đậm chất thơ đưa người xem vào một miền suy ngẫm về quá khứ và hiện tại. Còn Trần Tuấn, với điêu khắc Ngón tay trỏ xuất phát từ câu chuyện của gia đình, khi bố và những người chú của anh - những người sống qua thời bom mìn tàn phá khu vực Thừa Thiên Huế đều mất ngón tay trỏ. Tác phẩm về phần cơ thể khuyết đi giờ được trao lại hình hài như một lời nhắc nhớ quá khứ.
Bắt nhịp dòng chảy nghệ thuật thế giới
Mượn khái niệm trong địa chất học, Địa tầng số 0 tạo ra hình dung về một không gian chứa trầm tích thời gian, những liên tưởng trừu tượng về sự tích tụ, hấp thu, lắng đọng của những trầm tích văn hóa và biến động lịch sử chồng chất. Có thể thấy, khi các thực hành của nghệ sĩ được đặt cạnh nhau trong một không gian triển lãm đã giúp móc nối, tạo nên chuỗi cảm xúc đa dạng cho công chúng.
Địa tầng số 0 là triển lãm thứ 3 của trung tâm nghệ thuật The Outpost, và là triển lãm đầu tiên chỉ tập trung giới thiệu tác phẩm trong Bộ sưu tập The Outpost trong gần mười năm qua. Ở đây, The Outpost đặt mình trong dòng chảy nghệ thuật địa phương, bắt đầu với mong muốn khai đào, ráp nối những dấu tích đang bị vùi lấp, che phủ. “Từ không gian này, chúng ta bắt đầu một chuyến du hành, chiêm ngưỡng tác phẩm của các nghệ sĩ, phác ra cấu trúc tổng thể của tinh thần Việt Nam đương đại, thể hiện thông qua các thực hành nghệ thuật”, Giám đốc sáng lập The Outpost Ariel Phạm nói.
Những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, gắn với lối bày tỏ tư duy, suy nghĩ, quan điểm của nghệ sĩ trước thực tại xã hội đang hiện hữu. Theo các chuyên gia, đó chính là điểm nhận diện rõ nét của nghệ thuật đương đại. Thực tế ở Việt Nam, đời sống nghệ thuật đương đại vẫn như mạch ngầm chảy suốt những năm qua, với sự đa dạng, phong phú về hình thức biểu hiện trong sáng tác, thực hành nghệ thuật, thể hiện thông qua cách tiếp cận, tư duy thực hành, ứng dụng chất liệu... Trong khi các nghệ sĩ ngày càng cho thấy sự năng động, bắt nhịp và nhập cuộc với dòng nghệ thuật đương đại trên thế giới thì một số không gian nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng đã hình thành, đảm nhiệm cả vai trò giám tuyển, sưu tập và giới thiệu tác phẩm tới công chúng…
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, đời sống nghệ thuật đương đại đang dần đi vào chiều sâu. Các sáng tác đương đại không còn mang tính đơn lẻ, tính nội địa và đầy lạ lẫm mà thể hiện sự chuyên nghiệp, ghi dấu ấn đối với công chúng. “Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng những tác phẩm nghệ thuật đương đại vẫn còn là dòng chảy ngầm, chưa có nhiều cơ hội để giới thiệu đến công chúng. Những tác phẩm trong bộ sưu tập của The Outpost được trưng bày lần này đã giúp phản ánh phần nào bức tranh nghệ thuật đương đại ở Việt Nam”.