Malaysia tăng tốc tiêm chủng quốc gia

- Thứ Hai, 14/06/2021, 07:13 - Chia sẻ
Sự gia tăng ca nhiễm Covid-19, thậm chí còn vượt qua Ấn Độ về tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia quá tải. Chính phủ nước này đang tìm mọi cách tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tính đến ngày 11.6, Malaysia đã ghi nhận 639.562 ca nhiễm Covid-19, với số ca mắc mới trung bình đạt đỉnh điểm vào ngày 3.6 là 7.736 ca/ngày. Làn sóng lây nhiễm mới bùng phát nghiêm trọng sau lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo khi nhiều người Malaysia phản đối các quy định về giãn cách của chính phủ đưa ra cho mùa lễ hội. Số ca nhiễm mới tăng vọt một phần cũng do sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 dễ lây lan hơn.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ở một trung tâm tiêm chủng ngoại thành Kuala Lumpua ngày 3.6.2021 - The Diplomat
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ở một trung tâm tiêm chủng ngoại thành Kuala Lumpua ngày 3.6.2021
Nguồn:​​​The Diplomat

Thành công bước đầu

Malasia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 24.2, nhưng từ đó cho đến cuối tháng 5 vừa qua, chiến dịch này tiến triển khá chậm do nguồn cung cấp vaccine thất thường. Vào ngày 4.6, sau 100 ngày phát động Chương trình Tiêm chủng quốc gia, cả nước đã đạt tỷ lệ phân phối 117.563 vaccine/ngày, tăng đáng kể so với con số 5.000 - 8.000 vaccine/ngày ban đầu. Với 7,2% dân số được tiêm chủng, tuần trước, Malaysia đã vượt qua tỷ lệ tiêm chủng của các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, nhưng vẫn đứng sau Singapore, Campuchia và Brunei.

“Hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi vaccine liều đầu tiên của Malaysia thuộc nhóm cao nhất ở Đông Nam Á”, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook đánh dấu 100 ngày kể từ khi bắt đầu Chương trình Tiêm chủng quốc gia. “Thành tích này không phải là dễ dàng vì nguồn cung cấp vaccine nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Malaysia phải cạnh tranh với các nước khác và phụ thuộc vào nguồn cung của các nhà sản xuất vaccine”.

Với tốc độ này, Malaysia đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng 200.000 mũi/ngày vào cuối tháng 7. “Trong hai tháng tới, chúng tôi sẽ nhận được khoảng 16 triệu liều vaccine Covid-19. Với sự gia tăng nguồn cung các loại vaccine, chính phủ đang đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đạt 150.000 trong tháng này và con số này sẽ tiếp tục tăng các tháng tiếp theo”, ông Muhyiddin cho biết.

Thành công này có được là nhờ một số điều chỉnh quan trọng trong kế hoạch tiêm chủng của Malaysia.

Thêm nguồn cung vaccine

Trong nỗ lực để tăng nguồn cung cấp vaccine, Chính phủ Malaysia đã phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca, do Siam Bioscience ở Thái Lan sản xuất. Trong một tuyên bố ngày 4.6, quan chức Bộ Y tế nước này, ông Noor Hisham Abdullah cho biết, nguồn cung cấp từ Thái Lan “sẽ là nguồn cung cấp vaccine AstraZeneca chính để sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia của Malaysia”.

Trước đó, Malaysia đã nhận được hai lô vaccine AstraZeneca. Ban đầu, Malaysia áp dụng chế độ “ai đến trước được tiêm trước”. Tuy nhiên, khi hàng trăm nghìn người ồ ạt đăng ký trực tuyến tiêm vaccine, cổng thông tin đăng ký và theo dõi tiêm chủng quốc gia trực tuyến trị giá 17 triệu USD đã gặp sự cố và không thể xử lý số lượng lớn người đăng ký cùng một lúc. Cửa sổ đăng ký trực tuyến thứ hai được mở trong 90 phút, đã có gần 1 triệu liều được đặt trước. Nhưng sự cố cũng khiến nhiều người không thể đăng ký và họ bày tỏ thất vọng trên các trang mạng xã hội, đặt câu hỏi về hiệu quả của quy trình đăng ký trực tuyến tập trung.

Trước phản ứng dữ dội của người dân Malaysia đối với quy định tự nguyện đăng ký tiêm chủng, Chính phủ nước này buộc phải bổ sung vaccine vào Chương trình Tiêm chủng quốc gia.

Phân cấp quy trình tiêm chủng

Các chuyên gia y tế, những người liên tục lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của họ, từ lâu đã kêu gọi tách vaccine ra khỏi các địa điểm lớn.

Cho đến cuối tháng 5, quá trình tiêm chủng hầu như chỉ diễn ra ở các trung tâm tiêm chủng của chính phủ. Các trung tâm ban đầu, nhỏ hơn được sáp nhập thành các cơ sở tiêm chủng quy mô lớn để xử lý hàng nghìn người mỗi ngày. Cách làm này dẫn đến tình trạng người dân phải tập trung và chờ đợi rất lâu bên ngoài các trung tâm, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong chính quá trình tiêm chủng. Trước thực trạng đó, Liên đoàn các Hiệp hội hành nghề y tư nhân Malaysia (FPMPAM) kêu gọi phân cấp quy trình tiêm chủng.

Tiến sĩ Steven KW Chow, Chủ tịch FPMPAM phát biểu: “Chúng ta cần có nhiều trung tâm hơn để tiêm vaccine cho người dân, bao gồm tất cả cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương, tất cả bệnh viện và phòng khám đa khoa. Chúng ta không cần các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn. Bởi bản thân tình trạng quá tải và chờ đợi lâu tại các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn như hiện nay có nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm”. Ông cũng kêu gọi đơn giản hóa hệ thống đăng ký vaccine hiện tại.

Cùng chung ý tưởng, Liên minh Y tế Malaysia, một tổ chức phi chính trị của các hiệp hội và chuyên gia y tế, đưa ra lời kêu gọi trong một tuyên bố báo chí ngày 11.3: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ thiết lập quan hệ đối tác với các bệnh viện tư nhân để mọi người có thể chung tay bảo đảm vaccine sẵn có được đưa vào tiêm chủng càng sớm càng tốt".

Trước lời kêu gọi của giới chuyên gia, cùng với việc nhiều loại vaccine số lượng lớn sẽ được tăng cường trong tương lai gần, Chính phủ Malaysia đã quyết định trưng dụng các phòng khám và bệnh viện tư nhân làm trung tâm tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia.

“Để đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai chương trình tiêm chủng, Chính phủ đã đưa các trung tâm y tế và phòng khám tư nhân tham gia Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Vào cuối tháng 6 này, sẽ có tổng cộng 1.000 phòng khám y tế tư nhân và trung tâm khám chữa bệnh địa phương được tham gia Chương trình Tiêm chủng quốc gia”, Thủ tướng Muhyiddin cho biết ngày 5.6.

Trước đó, ngày 31.5, các trung tâm tiêm chủng đầu tiên tại bệnh viện và phòng khám tư nhân đã được mở cửa cho công chúng. Tiến sĩ Seow Vei Ken, giám đốc y tế của một trong những bệnh viện tư nhân nằm trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia, hoan nghênh biện pháp này và nói rằng sự phối hợp tốt giữa khu vực công và tư sẽ thúc đẩy quá trình quản lý vaccine.

“Đất nước chúng ta không thể để tình trạng ngừng hoạt động lâu hơn nữa vì điều đó gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Chúng ta cần nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng để đất nước có thể mở cửa trở lại tất cả các ngành kinh tế. Đây là một cách để cân bằng giữa sức khỏe và sinh kế”, ông Seow Vei Ken nói. “Hiện tại, chúng tôi cố gắng cung cấp 400 liều vaccine mỗi ngày cho bệnh nhân cao tuổi. Nhiều người trong số họ phải sử dụng xe lăn và di chuyển khá chậm nên quá trình tiêm chủng không thể triển khai với tốc độ quá nhanh. Nhưng chúng tôi đang cố gắng tăng con số lên 600 hoặc thậm chí 800 trong tương lai gần”, ông nói thêm.

Các trung tâm tiêm chủng được thiết lập ở khu vực đô thị thường khó tiếp cận đối với người cao tuổi và người khuyết tật, hoặc những người không có phương tiện di chuyển cá nhân. Chính vì vậy, từ ngày 3.6, Chính phủ Malaysia đã thiết lập các phòng tiêm chủng lưu động, được đưa đến vùng nông thôn, khu nhà ở xã hội và viện dưỡng lão. “Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêm chủng cho dân làng, người bản địa, người già, người tàn tật và người vô gia cư”, Thủ tướng Muhyiddin cho biết hôm 5.6.

Với tất cả các biện pháp trên, Malaysia hy vọng sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số và miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Đạt Quốc